Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh tình trạng trục lợi, dàn trải khi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đình Hiệp| 07/01/2022 17:42

(HNMO) - Chiều 7-1-2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội chiều 7-1.

Hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất tạo nhiều việc làm

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nền kinh tế vẫn được duy trì ổn định, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc bố trí vốn cũng như giải ngân của chương trình diễn ra trong thời gian ngắn nên Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

“Chính phủ cần quan tâm ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm trong việc lựa chọn đối tượng để phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, tránh dàn trải. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, ngành chế biến - chế tạo, xuất khẩu tạo ra nhiều việc làm hoặc đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bổ sung các đối tượng được hỗ trợ trong chính sách này, trong đó có lực lượng y tế tham gia tuyến đầu chống dịch để họ yên tâm làm việc”, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị.

Cho rằng việc ban hành Nghị quyết là cần thiết và kịp thời trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngành Du lịch. Cụ thể, tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông để qua đó góp phần kết nối giao thông tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Cùng với đó, có chính sách tái cơ cấu ngành Du lịch, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo mô hình an toàn, hiệu quả, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng, du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại nặng nề do Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thay đổi tư duy về phát triển du lịch sau đại dịch nhằm tạo ra bước đột phá kích thích du lịch phát triển, nâng cao chất lượng. Đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể về tác động của đại dịch đối với ngành Du lịch, từ đó có sự lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, bên cạnh huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch như tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ 1,4% lên khoảng 3% tổng chi ngân sách như các nước trong khu vực, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch để đảm bảo quyền lợi của du khách và tạo hình ảnh điểm đến chất lượng.

Nêu những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống người lao động, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) cho rằng, chương trình hỗ trợ cần dành khoản ngân sách đủ lớn để bảo đảm việc hỗ trợ người lao động được dài hơi và bền vững, qua đó góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm công bằng nhưng không cào bằng

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ các giải pháp về tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách nhà nước tương ứng. Theo Bộ trưởng, đây là mức chi ngân sách lớn nhất từ trước đến nay và mức giảm thuế cũng nhiều gấp 3 lần của năm 2021.

“Gói kích cầu này chủ yếu là nguồn vay trong nước thông qua trái phiếu Chính phủ và nguồn vay nước ngoài nên việc triển khai thực hiện phải bảo đảm hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình.

Tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng đã tiếp thu và làm rõ thêm, yêu cầu khi thực hiện chương trình là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì thế, khi đưa tiền ra qua gói chính sách tài khóa này, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ, theo sát diễn biến của nền kinh tế, điều chỉnh kịp thời để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Giải trình thêm về ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, đây là một chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với nền kinh tế, mà đối với cả việc giải quyết các vấn đề xã hội; không chỉ tác động trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu, đánh giá tình hình phát triển của các ngành, lĩnh vực cũng như những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người lao động, khả năng huy động nguồn lực cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chương trình này với quy mô, phạm vi phù hợp. Trong đó, ngay trong năm 2022, chính sách miễn giảm thuế sẽ được triển khai thực hiện đến 100% đối tượng của chương trình.

Nêu một loạt giải pháp của Chính phủ để triển khai chương trình một cách hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng mục tiêu quan trọng là bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại giải ngân trong năm 2023.

Tuy nhiên, việc triển khai cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, qua đó thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế. Cùng với đó, việc phân bổ nguồn vốn bảo đảm hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển, bảo đảm công bằng nhưng không cào bằng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 356 lượt đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ, 50 đại biểu phát biểu tại hội trường, 3 đại biểu tranh luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đa số đại biểu nhất trí với dự thảo Nghị quyết cũng như tính cấp thiết phải thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, đồng thời hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua.

Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó nhất trí với các nội dung về: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh tình trạng trục lợi, dàn trải khi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.