(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, trên mạng xã hội đã xuất hiện tràn lan các bài thuốc hướng dẫn về cách phòng và tự chữa trị Covid-19. Để tránh rước họa vào thân, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không tin theo các “thần y” trên mạng và các bài thuốc truyền miệng không có kiểm chứng.
Ngộ độc do dùng thuốc tùy tiện
Bệnh nhân nam (43 tuổi, ở Hà Nội) được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) từ một bệnh viện tuyến huyện của Thủ đô trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp. Trước khi nhập viện, bệnh nhân này đã uống 10 viên cloroquine (thuốc điều trị sốt rét, loại 250mg) để phòng Covid-19 theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Ngoài trường hợp nêu trên, thời gian qua, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận không ít trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ, trên mạng xã hội đã xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa Covid-19 tại nhà. Đáng chú ý, trong một bài thuốc truyền miệng đó, có hướng dẫn khuyên sử dụng paracetamol với liều tối đa khi bị sốt, ho, khó thở… Với hướng dẫn này, người bệnh nếu thực hiện theo rất dễ có nguy cơ quá liều và bị ngộ độc.
“Ngộ độc paracetamol thường gặp do lạm dụng thuốc, dùng sai, dẫn tới quá liều mà không biết. Các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm, thì không thể biết được. Đến khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong. Ngoài ra, khi lạm dụng paracetamol có thể dẫn tới co mạch, xuất hiện cơn tăng huyết áp, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, loạn nhịp tim... Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp của thuốc này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Những ngày qua, một số người dân Thủ đô đã tìm mua thuốc Xuyên Tâm Liên để điều trị Covid-19, khiến sản phẩm này bị “thổi giá”. Cuối tháng 7-2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được phản ánh đến đường dây nóng về việc, trên thị trường xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19, có logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19, có logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: Kháng vi rút, kháng Covid-19, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng, chống Covid-19...
Trước thông tin nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên là giả mạo. Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng vi rút SARS-CoV-2. Và đặc biệt là, không có bất kỳ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.
Không tự ý mua thuốc để dự trữ hay tự điều trị
Theo Bộ Y tế, hiện có đến 80% người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có triệu chứng, 20% bệnh nhân chuyển biến nặng (trong đó 5% có các biến chứng rất nặng, như: Suy hô hấp cấp, nhiễm trùng máu…).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng với những bài thuốc không rõ nguồn gốc lan truyền trên mạng xã hội. Riêng với trường hợp F0 không triệu chứng và F1 nếu được hướng dẫn cách ly tại nhà, cần chuẩn bị phòng cách ly riêng, lưu số điện thoại của nhân viên y tế được phụ trách theo dõi và tư vấn, chuẩn bị một số vật dụng: Dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt; nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%); khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng; một số loại thuốc thiết yếu (thuốc hạ sốt và một số loại thuốc nâng cao sức khỏe, như: Vitamin C, multivitamin…).
“Nên mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa; thực hiện đeo khẩu trang; đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày; ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút/ngày và đề nghị nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm sau 7 ngày cách ly. Khi có một trong các dấu hiệu: Sốt trên 37,5 độ C; ho, đau họng; tiêu chảy và khó thở (khi bạn không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), người dân cần gọi cho nhân viên y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý.
Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, thuốc bao giờ cũng có 2 mặt: Lợi và hại. Do đó, người dân không tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà theo các thông tin chưa có hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế. Các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa đối với việc bán hàng, quảng cáo trực tuyến, nhất là các bài thuốc chữa bệnh. Hầu hết ca bệnh Covid-19 trong đợt này đều xuất hiện triệu chứng: Ho, sốt… Chính vì vậy, không chỉ là người từ vùng dịch về, mà bất kỳ ai khi có triệu chứng ho, sốt... cần liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng (0969.082.115; 0949.396.115) để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.