Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh gây xáo trộn cho người dân

Việt Nga| 03/01/2014 06:37

(HNM) - Với người dân, vấn đề cần quan tâm hiện nay là khi các nhà đài ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) thì liệu chiếc ti vi của nhà mình có



Với người dân, vấn đề cần quan tâm hiện nay là khi các nhà đài ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) thì liệu chiếc ti vi của nhà mình có "bắt" được các kênh truyền hình số.

Ảnh minh họa.


Tại cuộc họp của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đều đặt kế hoạch và mục tiêu hoàn thành việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng truyền hình số theo lộ trình số hóa đã được Chính phủ phê duyệt. Một số đài truyền hình địa phương có kiến nghị vẫn phát sóng song song truyền hình công nghệ tương tự với công nghệ số sau thời điểm phải chuyển đổi, do tình trạng chồng lấn vùng phủ sóng với các địa phương lân cận nhằm tránh gây xáo trộn cho người dân… Trước đề xuất này, Tiểu ban giúp việc đã kiến nghị Ban Chỉ đạo giao Cục Tần số vô tuyến điện, VTV, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nghiên cứu, đề xuất phương án hợp lý cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ với các tỉnh thuộc nhóm 1, nhóm 2.

Theo phân công của Ban chỉ đạo, 3 đài truyền hình VTV, VTC và AVG sẽ phát sóng truyền hình số mặt đất tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) đã truyền tải không khóa mã các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Cụ thể, VTV đã phủ sóng số mặt đất DVB-T2 tại 3 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng truyền tải không khóa mã các kênh truyền hình của VTV (trong đó có các kênh VTV 1-2-4). Dự kiến từ 1-1-2014, VTV sẽ phủ sóng truyền hình số mặt đất tại Hải Phòng và Cần Thơ, trong đó truyền tải không khóa mã 6 kênh (VTV1-2-3-4-5-6), riêng tại Cần Thơ sẽ phát sóng thêm CVTV1 và CVTV2… VTC đã phủ sóng số mặt đất DVB-T tại 47 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, truyền tải không khóa mã 24 kênh chương trình (đã gồm cả các kênh thiết yếu). Từ ngày 15-9-2013, VTC đã phát sóng số mặt đất DVB-T2 tại Đà Nẵng. AVG đã phát sóng không khóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị (kênh VTV1-2, VTC1-16… tại khu vực Bắc bộ, Nam bộ và Đà Nẵng). Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa đã đánh giá cao sự vào cuộc của cả 3 nhà đài, tuy nhiên việc phát sóng các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thiết yếu lại trùng lặp (cả ba nhà đài đều phát các kênh VTV1-2 trên cùng một khu vực), gây lãng phí dung lượng truyền dẫn và các chi phí khác. Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ phân công lại 3 nhà đài trong việc phát các kênh phục vụ nhiệm vụ chính trị, thiết yếu.

Cùng với thông tin về quá trình ngừng phát sóng truyền hình tương tự chuyển sang số hóa, Bộ TT-TT cũng ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị thu tín hiệu truyền hình số (gồm ti vi và bộ đầu thu còn gọi là bộ set-top-box STB) và quy định về thời hạn tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu tại Việt Nam. Có thể nói, đa phần máy thu hình mới đều có tích hợp truyền hình số, song sẽ có số lượng không nhỏ người dân, nhất là khu vực nông thôn, vẫn sử dụng ti vi thế hệ cũ. Do vậy, giải pháp được đề ra là sẽ có các bộ thu tín hiệu STB để giúp người dân vẫn xem truyền hình số với ti vi cũ.

Vừa qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức hội thảo với các DN sản xuất, nhập khẩu đầu thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 tại Việt Nam. Các DN đều khẳng định có đủ năng lực để sản xuất STB theo quy chuẩn. Trên thị trường hiện nay đã bán đầu thu của nước ngoài với giá khoảng 600.000 đồng, nhưng chất lượng chưa được đánh giá. Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện và các nhà đài cho rằng, Ban chỉ đạo cần có yêu cầu các DN phải sản xuất ra thị trường bộ STB có khả năng thu được nhiều kênh không khóa mã của các nhà đài. Vì vậy, cần có ngay định hướng để các nhà sản xuất, thị trường chỉ chuyển sang đầu thu chuẩn DVB-T2, không kinh doanh bộ STB DVB-T nhằm tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh thiết bị trên thị trường có thời gian chuẩn bị chuyển đổi, cung cấp để đưa ra thị trường sản phẩm với giá hợp lý. Được biết, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ một phần với các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách mua đầu thu truyền hình số mặt đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh gây xáo trộn cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.