Thế giới

Tranh cãi về việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển: Cần một phương án thận trọng

Hoàng Linh 09/08/2023 - 07:00

Bất chấp nỗ lực giải thích của Nhật Bản và những chứng nhận an toàn từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), kế hoạch xả hàng triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển tiếp tục gây ra dư luận trái chiều, làm dấy lên tranh cãi về ảnh hưởng lâu dài đối với môi trường khu vực. Trong bối cảnh này, Nhật Bản cần có phương án xử lý một cách thận trọng để bảo đảm chặt chẽ, an toàn.

xa-thai.jpg
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi kiểm nghiệm bể nuôi cá sử dụng nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ các tổ hợp điện hạt nhân tại Fukushima.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc, Hãng thông tấn Kyodo ngày 7-8 trích dẫn các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo đang cân nhắc bắt đầu xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ra biển trong thời gian “từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm nay”. Đây là thời gian Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã trở về từ cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc.

Tại sự kiện diễn ra vào ngày 18-8 này, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ giải thích rõ hơn với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol về kế hoạch xả thải. Khi về nước (dự kiến ngày 20-8), Thủ tướng Fumio Kishida sẽ họp với các bộ trưởng để xác định quy trình và thời điểm cụ thể cho việc xả nước.

Lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý phát sinh từ sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima khiến ba lõi lò phản ứng quá nhiệt. Khi đó, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), với vai trò đơn vị vận hành nhà máy, đã phải sử dụng lượng lớn nước để làm mát và thu gom chúng trong các bể chứa trong khuôn viên nhà máy. Lượng nước khoảng 1,32 triệu tấn, và đến nay vượt ra khỏi khả năng của hạ tầng lưu trữ, buộc phải giải phóng ra ngoài. Dù phần lớn các thành phần nguy hiểm có thể được tách khỏi nước, vấn đề thực sự nằm ở tritium, một dạng phóng xạ của hydro, rất khó để tách khỏi nước. Hiện nay, chưa có công nghệ nào có thể loại bỏ hoàn toàn tritium từ lượng nước lớn như vậy.

Dĩ nhiên, Nhật Bản có biện pháp xử lý trong xả nước thải hạt nhân ra biển. Tờ Asahi Shimbun ngày 8-8 cho hay, Nhật Bản sẽ pha loãng để bảo đảm nồng độ tritium thấp hơn tiêu chuẩn phê duyệt quốc tế trước khi thải ra biển, cách bờ 1km, bằng một hệ thống đường ống ngầm. Thực tế, tritium cũng có mặt trong nước biển với mật độ thấp không nguy hại. Bản thân IAEA từng đưa ra kết luận rằng quá trình xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu.

Ngay sau quyết định của IAEA, cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản đã phê duyệt cho TEPCO xả nước. Tự tin về mức độ an toàn, Nhật Bản thậm chí công bố lịch đánh bắt cá ngoài khơi Fukushima ngay từ tháng 9. Tuy nhiên, việc xả nước thải không tránh khỏi làn sóng nghi ngại về độ an toàn của nước và chất lượng của các sản phẩm hải sản.

Trong khi Trung Quốc lên án kế hoạch này là “vô trách nhiệm”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có phần mềm mỏng hơn, và đã đề xuất với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về việc cho phép các chuyên gia của xứ Kim chi tham gia giám sát việc xả nước thải. Cách tiếp cận này trong ngày 7-8 đã có bước tiến, khi hai bên đạt được “thỏa thuận đáng kể” trong vòng đàm phán cấp vụ trưởng thứ hai bằng hình thức trực tuyến để xử lý các biện pháp tiếp theo liên quan yêu cầu của Tổng thống Hàn Quốc. Cũng có những quan điểm ủng hộ Nhật Bản. Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta từng khẳng định hoàn toàn tin tưởng báo cáo của IAEA.

Dù vậy, tranh cãi kéo dài đang mang tới nhiều rắc rối cho hàng hóa Nhật Bản, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống. Từ cuối tháng 7-2023, Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phát hiện phóng xạ trong hải sản nhập khẩu từ xứ sở hoa Anh đào. Tại Trung Quốc, nhiều nhà hàng Nhật Bản đã bắt đầu đối mặt khó khăn khi không thể nhập khẩu nhanh các mặt hàng tươi sống phục vụ chế biến món ăn, trong bối cảnh kiểm tra hải quan bị kéo dài. Hồng Kông (Trung Quốc) hiện là thị trường tiêu thụ hải sản và nông sản lớn thứ hai của Nhật Bản - thậm chí tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản này nếu nước này thực hiện kế hoạch xả nước thải nói trên.

Nhìn chung, để tránh những hệ lụy không đáng có, nhất là những tác động tiêu cực tới thương mại và đời sống người dân khu vực, giờ là lúc Nhật Bản nên nhanh chóng đưa ra phương án xử lý một cách thận trọng để bảo đảm chặt chẽ, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi về việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển: Cần một phương án thận trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.