(HNM) - Chính phủ Mỹ đang đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động do thiếu ngân sách vì dự thảo ngân sách tài khóa 2014 vẫn đang bế tắc tại Đồi Capitol.
Khi thời hạn chót ngày 1-10 để thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa tới đang cận kề, các nghị sĩ Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công và tăng nguồn thu. Hơn thế, chỉ khoảng 2 tuần nữa, cường quốc kinh tế số một thế giới có thể lâm vào cảnh vỡ nợ. Cạn kiệt ngân sách khi nợ công đã kịch trần khiến chính phủ mất quyền vay nợ thêm để trang trải.
Chứng khoán Mỹ liên tiếp giảm điểm trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ trong vấn đề chi tiêu ngân sách và trần nợ công. |
Sau nhiều cảnh báo, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chia rẽ sâu sắc trong bối cảnh họ phải tìm ra một thỏa thuận ngân sách trước ngày 1-10, ngày bắt đầu năm tài khóa 2014. Ngày 20-9, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát, đã thông qua kế hoạch ngân sách tài khóa 2014 nhưng với điều kiện đi kèm là không cấp kinh phí cho Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama, thường gọi là "ObamaCare". Động thái này của phe Cộng hòa đã làm gia tăng căng thẳng giữa các chính đảng tại Quốc hội Mỹ. Bởi điều kiện kèm theo đó đồng nghĩa dự luật ngân sách sẽ không có cơ hội được thông qua tại Thượng viện do phe Dân chủ nắm đa số. Một số thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã chỉ trích phe Cộng hòa gây nguy hiểm cho nền kinh tế quốc gia khi theo đuổi mục tiêu chính trị thiển cận. Hiện, nút thắt lớn nhất trong cuộc chiến về ngân sách ở Mỹ chính là Đạo luật cải cách y tế. Theo đó, buộc tất cả người Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế.
Hiện, tại nước Mỹ, có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế. Chương trình "ObamaCare" được kỳ vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm. Ðể có tiền cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm trở lên. Tuy nhiên, tầng lớp người giàu và các nghị sĩ Cộng hòa đã kịch liệt phản đối vì cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế mỗi năm đối với người Mỹ. Thế nên, dù Hạ viện đã nhất trí về các khoản chi tiêu để chính phủ liên bang tiếp tục hoạt động, nhưng cơ quan này không thông qua khoản tài trợ cho đạo luật chăm sóc sức khỏe nói trên. Nói cách khác, đây là thời điểm thích hợp để các nghị sĩ đảng Cộng hòa ngăn cản Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama bằng cách trì hoãn việc bỏ phiếu của Quốc hội.
Trước nguy cơ một số cơ quan liên bang và chương trình hoạt động sẽ buộc phải tạm ngừng, đẩy hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ phép không lương, ngày 25-9, Thượng viện Mỹ đã đề xuất một dự luật chi tiêu mới, trong đó nhất trí bỏ khoản chi cho Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống B.Obama. Phát biểu ủng hộ dự luật trên, Thượng nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, cho biết sẽ không chi thêm tiền cho chương trình "Obama Care", đồng thời dự luật này xem xét việc gia hạn cấp kinh phí cho hoạt động của chính phủ đến ngày 15-11, thay vì ngày 15-12 như trong dự luật của Hạ viện. Dự kiến, Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu về đề xuất mới trong ngày 29-9 và Hạ viện có hai ngày để cân nhắc văn kiện này. Rõ ràng đây được coi là một bước nhượng bộ nhằm thu hẹp bất đồng sâu sắc giữa hai viện Quốc hội Mỹ trong dự thảo ngân sách 2014 khi mà trước đó Hạ viện đã thông qua một kế hoạch ngân sách tạm thời 986 tỷ USD và nói "Không" với "ObamaCare".
Trong bối cảnh tranh cãi còn rất gay gắt, sắc đỏ tiếp tục bao phủ phố Wall khi giới đầu tư vẫn dồn sự chú ý vào vấn đề ngân sách và trần nợ công của Mỹ. Chốt phiên giao dịch này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 61,33 điểm, tương đương 0,40%, xuống 15.273,26 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 4,65 điểm (0,27%), xuống 1.692,77 điểm. Có thể thấy, chứng khoán Mỹ hiện đang chịu sự chi phối bởi tâm lý hoang mang của giới đầu tư do Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chi tiêu ngân sách và trần nợ công.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên cuộc chiến trần nợ xảy ra với nước Mỹ. Vì vậy, các nhà phân tích vẫn hy vọng rằng chính quyền Tổng thống B.Obama và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ tìm được tiếng nói chung như đã từng thực hiện để đẩy lùi kịch bản chính phủ sẽ buộc phải đóng cửa vào tuần tới. Nếu điều này xảy ra thì chính những người làm việc trong lĩnh vực công, trong các công ty tư nhân phục vụ chính phủ cũng như tầng lớp bình dân vốn lệ thuộc vào các chương trình phúc lợi xã hội sẽ là đối tượng hứng chịu mọi hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.