(HNM) - Đã từ lâu, người dân thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì thân mật gọi cơ ngơi của chị Phùng Thị Thơ bằng cái tên trang trại
Sỏi đá thành cơm
Tôi đến trang trại của chị Thơ vào một sáng cuối đông, nắng vàng hanh hao trải nhẹ dọc những sườn đồi. Con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào trang trại khiến quãng đường như ngắn lại. Ập vào mắt tôi là màu xanh của những vạt dứa chạy dài tít tắp, và màu vàng mát mắt của vườn bưởi đang đến kỳ thu hoạch. Khác hẳn với hình dung của tôi, bà chủ trang trại ăn mặc giản dị, nét mặt thuần chất thôn quê, hiền lành và hồn hậu. Vừa thoăn thoắt xếp bưởi vào những bao tải dứa, chị Thơ vừa rủ rỉ: "Cô bảo chị làm ruộng, cày sâu cuốc bẫm, vất vả mấy chị cũng chịu được, nhưng bảo chị nói thì chẳng biết nói gì. Cái nghiệp làm nông nó vận vào mình rồi. Người yêu đất, đất không phụ người đâu...".
Chị Thơ chăm sóc vườn dứa sắp cho thu hoạch. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị cùng bạn bè xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1982, trở về địa phương sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ, chị lập gia đình với người bạn đồng niên Chu Trọng Nhung và sinh sống ngay tại quê hương. Gia đình hai bên vốn thuần nông, kinh tế không mấy khá giả. Nguồn thu chính để nuôi bố mẹ già và 3 con thơ dại đều trông cả vào đồng lương bộ đội ít ỏi của anh và mấy sào ruộng, kinh tế gia đình bấp bênh như thuyền trước gió. Năm 2000, nghe tin xã có chủ trương cho nông dân nhận khoán đất rừng, chị mạnh dạn bàn với chồng đứng ra nhận 12 hécta đất theo hình thức khoán 50 năm. Có đất trong tay, cả gia đình chị dắt díu nhau lên vùng đất mới. Ngày ấy, cả vùng đồi mênh mông ở thôn Vật Yên - xã Vật Lại chỉ trơ một màu đất cằn bàng bạc, sỏi đá nhấp nhô, không cây gì sống nổi. Không có nhà cửa, anh chị lần hồi dựng tạm gian nhà cấp bốn ở lưng đồi làm chỗ che nắng, che mưa. Người ta xây nhà chỉ vài ba tháng, còn anh chị mất đến gần hai năm, bởi "cứ có tiền lại mua thêm ít gạch, cát, xi măng rồi xây dần...". Chưa có tiền đào giếng, thương vợ con, mỗi lần về nhà, anh cuốc bộ hàng trăm mét đi xin từng xô nước. Tài sản duy nhất và cũng là lớn nhất của gia đình là một con trâu. Chính "đầu cơ nghiệp" ấy đã gắn bó cùng chị suốt những năm khai hoang, vỡ đất. Không thể kể hết nỗi khó khăn, vất vả của chị Thơ những ngày đầu chinh phục vùng đất mới. Mỗi ngày chị dắt trâu lên đồi từ sáng sớm, làm việc đến tối muộn mới về nhà. Những đêm sáng trăng, chị cho trâu nghỉ, còn mình tranh thủ thức đêm làm cỏ. Có những buổi làm đồng không nhờ được người trông con, chị phải mang theo ba con nhỏ. Trưa nắng gắt, con nhỏ khóc, lả đi vì đói, chị nuốt nước mắt vào trong, dỗ con nín sẽ cho ăn "bánh nướng, bánh dẻo". Bánh dẻo của chị là những hòn cuội trắng, còn bánh nướng là những viên đá đen, được chị gom chất thành từng đống dọc sườn đồi.
Thấy vợ tối ngày dắt trâu đi cày mà đất hoang vẫn trơ sỏi đá, chồng chị bàn chuyển sang mua máy phay nông nghiệp để giảm sức người. Nhưng máy phay cũng không chịu nổi đá cuội, lưỡi phay gãy liên tục. Với kinh nghiệm của người lính từng gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực máy xây dựng, anh Nhung quyết định chuyển sang đầu tư máy đào loại nhỏ. Công đoạn vỡ đất đã xong, trên đất cằn anh chị chọn trồng sắn. Nhưng vào mùa mưa, những trận mưa lớn cuốn trôi hết cả cây lẫn đất màu vừa cải tạo. "Làm thế nào để giải quyết bài toán chống xói mòn cho vùng đất đồi và bảo đảm hệ thống tưới tiêu?" - câu hỏi ấy cứ quẩn quanh, ám ảnh vợ chồng chị Thơ ngay cả trong giấc ngủ.
Làm giàu từ cây dứa
Sau nhiều ngày trăn trở, chị mua sách về gối đầu giường tự mày mò, nghiên cứu. Hễ nghe ở đâu có mô hình làm kinh tế trang trại hiệu quả là anh chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Tuy công tác xa nhà nhưng hễ rảnh rỗi, anh lại giúp chị bằng cách nhờ người quen giới thiệu, tìm đến tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để chọn cách trồng cây gì, nuôi con gì... Một lần tình cờ gặp lại người bạn cũ đang làm việc tại Viện Nghiên cứu rau - quả, anh mời bạn đến thăm mô hình trang trại của gia đình và nhờ tư vấn. Sau khi xem xét kỹ chất đất, người bạn khuyên anh chị nên chọn trồng cây dứa. Đây là loại cây ngắn ngày, cho thu nhập cao, vừa chống được xói mòn cho vùng đất đồi, vừa tạo mùn giúp cải tạo đất. Mừng như "bắt được vàng", anh chị vội tìm lên nông trường dứa ở Suối Hai để học cách trồng loại cây mới. Không chọn cách làm việc kiểu "bàn giấy", anh chị lặn lội tìm đến từng hộ dân để học từ khâu vỡ đất, cách trồng, đến chăm bón, tưới tiêu, thu hoạch, đảo đất... Tất tật đều được chị ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ tay. Giống dứa Queen của Nông trường Suối Hai được anh chị "chọn mặt gửi vàng". Nhờ nắm chắc và tuân thủ từng công đoạn, ngay vụ dứa đầu tiên, anh chị đã trúng lớn. Cây dứa bắt đầu được nhân rộng trên khắp những vạt đồi đã được khai hoang. Nhưng dứa vốn là giống cây tán xạ, nếu nắng gắt sẽ lụi quả, táp lá và cho năng suất không cao. Giải pháp được lựa chọn là trồng cây lâu năm để khép tán. Với phương châm "trồng cây 3 tháng nuôi cây 1 năm, trồng cây 1 năm nuôi cây lâu năm", để có vốn mua phân bón cho dứa, sau Tết anh chị trồng thêm đỗ đen, giữa năm trồng củ đậu. Lãi thu được từ những cây ngắn ngày được tái đầu tư cho cây dứa. Lãi thu được từ dứa được anh chị chuyển thành những gốc xoài, gốc bưởi... Nhờ chọn đi đúng hướng, sau mỗi năm diện tích trồng dứa của anh chị lại tăng thêm. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật... anh chị đã làm cho dứa ra quả theo ý muốn, đồng thời rút ngắn thời gian trồng dứa từ 4 năm/2 vụ xuống còn chưa đầy 3 năm/2 vụ. Lợi ích từ cây dứa được tận dụng triệt để. "Dứa không chỉ chống xói mòn bề mặt đất, ngăn không cho đất màu bị rửa trôi. Quả dứa cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Sau thu hoạch, lá dứa được dùng làm thức ăn cho bò, cho lợn. Gốc dứa được máy đào băm nát, lật đất, ủ thành phân xanh, góp phần cung cấp thêm vi lượng, cải tạo nguồn đất. Với gia đình tôi, quả thật cây dứa là vàng" - anh Nhung chia sẻ. Chỉ sau 8 năm dồn hết nhiệt huyết, công sức vào đất, đến nay trang trại rộng 12 hécta của gia đình anh chị đã phủ kín bởi 250.000 gốc dứa, 800 gốc xoài, 1.000 cây bưởi Diễn, 1.000 gốc chanh đào. Không chỉ trồng cây, anh chị còn đào hai ao thả cá với diện tích mặt nước rộng 1 hécta. Trong khu chuồng trại rộng 1.000m2 luôn có 50 con lợn rừng, 30 con lợn thịt, 5.000 con gà thả vườn mỗi lứa... Mỗi năm, doanh thu từ trang trại đạt từ 1,8 đến 2 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu nhập bình quân từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Thành công từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, gương làm giàu của gia đình chị Thơ trở thành tấm gương cho những hộ dân trong vùng học tập, làm theo. Hễ ai có nhu cầu học tập kinh nghiệm nuôi trồng, anh chị đều tận tình giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng, mỗi năm gia đình chị còn giúp đỡ 5-7 hộ nghèo tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Liên tục 10 năm liền được công nhận là Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, tham gia hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2010, bản thân chị Thơ và gia đình nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các ban, ngành từ cấp trung ương đến cơ sở. Sau những tháng ngày vất vả, thành quả mà anh chị đạt được là những vạt đồi phủ kín cây xanh, là những màu vàng ngút ngát mỗi độ cây vào mùa trái chín. Và hạnh phúc trên hết khi cả ba người con của anh chị đều noi gương bố mẹ, lần lượt tốt nghiệp đại học, trở thành người có ích cho xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.