Xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) có 425ha đất sản xuất nông nghiệp đã được dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh. Cùng với đó, nông dân xã Lệ Chi đã tích cực thực hiện nhiều mô hình trồng hoa, rau màu và chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Lệ Chi phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền chăm sóc cây rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi gà theo hướng sinh học, chăn nuôi bò, lợn ứng dụng công nghệ cao… Nhờ đó, xã Lệ Chi đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình ứng dụng công nghệ cao tại trại chăn nuôi lợn của hộ bà Nguyễn Thị Nhung, làm chuồng nuôi khép kín, có hệ thống quạt điều hòa nhiệt độ, nước uống, máng ăn tự động; mô hình tưới nước tự động cho cây trồng của hộ bà Nguyễn Thanh Giang; mô hình chăn nuôi thủy sản, bơm nước tự động của hộ ông Nguyễn Văn Hoàng…
Đặc biệt, gia đình ông Đinh Văn Công ở thôn Chi Đông (xã Lệ Chi) đã thực hiện mô hình trồng vườn cam Canh ở khu Lô 2, trên tổng diện tích gần 7ha. Ông Công cho biết: “Từ năm 2016, gia đình tôi đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm trang trại trồng cam, mua cây giống, phân bón… Sau hơn 3 năm, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch và gia đình thực hiện theo hướng thu quả trên 1/2 diện tích (hơn 3ha), sau đó cho cây nghỉ 1 năm, rồi tiếp tục thu hoạch trên 1/2 diện tích còn lại. Do cây được "nghỉ ngơi" 1 năm để bù lại dinh dưỡng nên chất lượng quả cam ngon, ngọt hơn, năng suất đạt từ 90 đến 100kg quả/cây và tỷ lệ cam loại 1 đạt 65%, cam loại 2 khoảng 30%...”. Trang trại trồng cây ăn quả của gia đình ông Công tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 đến 7 lao động và hàng chục lao động thời vụ, với thu nhập 200.000-600.000 đồng/người/ngày và tổng doanh thu từ vườn cam đạt 1,7-1,8 tỷ đồng/năm.
Cũng với quyết tâm làm giàu từ đất, gia đình bà Dương Thị Dự ở thôn Cổ Giang đã thực hiện mô hình vườn, ao trên xứ đồng Kinh. Theo bà Dự, gia đình bà nuôi thả cá thương phẩm trên diện tích hơn 1 mẫu ao, doanh thu đạt hơn 170 triệu đồng/năm. Đối với đất vườn, bà Dự dành 6 sào trồng cam, bưởi; 4 sào trồng hơn 1.000 cây quất giống và 150 cây quất cho quả ngọt và 4 sào chuyên trồng rau. Bà Dự chia sẻ: “Riêng cây rau, tôi luôn tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để trồng những giống cây phù hợp, cho năng suất, chất lượng tốt. Từ cuối năm 2023 đến nay, gia đình tôi chủ yếu trồng cải củ, cải bẹ... Mỗi năm trồng được 7-8 lứa, năng suất đạt 2,5 tấn/sào/lứa, sau khi trừ chi phí lãi được 5-7 triệu đồng/sào”.
Đáng chú ý, để tăng thêm thu nhập trên diện tích canh tác, Hội Nông dân xã Lệ Chi còn vận động các hộ hội viên trồng thâm canh, tăng vụ. Chẳng hạn, vụ đông xuân 2023-2024, Hội Nông dân xã thực hiện mô hình trồng hoa ly trên diện tích 1,5 mẫu tại xứ đồng thôn Chi Nam. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, mô hình trồng hoa ly cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, có 15 hộ hội viên khác thực hiện mô hình trồng hoa lay ơn, với tổng diện tích 1ha, lãi 300 triệu đồng/ha.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ cho biết, việc trồng thâm canh, tăng 1 vụ hoa trên đất 2 vụ lúa không chỉ tăng thêm thu nhập, mà còn giúp đất và cây trồng trở nên tốt hơn. Cụ thể, khi chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa, đất ở môi trường nước chuyển sang môi trường cạn, nên sạch mầm bệnh, chất lượng tốt, giúp hoa phát triển nhanh, màu hoa đẹp hơn, nông dân giảm được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi hết vụ hoa, đất được đổ ải, thoáng khí, tăng độ phì nhiêu, tăng hàm lượng ô xy…, giúp lúa vụ xuân phát triển tốt. Hiệu quả rất rõ rệt nên năm 2024, Hội tiếp tục vận động hội viên mở rộng thêm 1ha trồng hoa lay ơn.
Năng động, sáng tạo trong sản xuất, nông dân xã Lệ Chi đã và đang xây dựng được nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, với doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng đồng/ha/năm, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.