Trong khi du lịch các nước tiếp cận với du khách bằng smart website (trang mạng thông minh) mang tính tương tác cao, thì ngành du lịch VN vẫn lạc hậu, đi sau cả thập niên.
Trang web của Sở Du lịch TP.HCM có nội dung rất sơ sài, cũ kỹ - Ảnh: TL |
Một doanh nhân nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trước khi đến TP.HCM đã hỏi chúng tôi tên miền của Sở Du lịch TP.HCM là gì, vì ông muốn tìm kiếm thông tin chính thức về du lịch địa phương, nhưng không thể lần dò ra được địa chỉ. Thử gõ cụm từ tiếng Anh “Ho Chi Minh City Department of Tourism” lẫn “Sở Du lịch TP.HCM” lên Google không cho bất kỳ kết quả nào. Vì trang web của Sở Du lịch là một tên miền “cấp 2” nằm chung trong website của UBND TP.HCM mà đối với những bạn đọc người nước ngoài, không dễ để họ biết được (phiên bản tiếng Anh không tìm thấy kết nối với website Sở Du lịch). Năm 2014, Sở Du lịch chính thức tách ra từ Sở VH-TT-DL để hoạt động độc lập sau khoảng 8 năm nhập vào, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, ngay một website “cho ra hồn”, sở này cũng không làm được.
Cập nhật từ giữa năm ngoái
Không chỉ thế, nội dung của trang web Sở sơ sài, ít ỏi một cách đáng kinh ngạc. Nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách ở một kênh chính thống là rất lớn, nhưng ở mục Sản phẩm du lịch chỉ vỏn vẹn có bốn bài, giới thiệu các chương trình du lịch đường thủy, TP.HCM - 100 điều thú vị (có tựa, không có nội dung); chương trình nghệ thuật múa rối nước và chương trình nghệ thuật À Ố Show. Các bài viết này chỉ sơ lược vài dòng kèm mấy tấm ảnh và địa chỉ diễn ra chương trình.
Ở mục Thông tin cần biết cũng chỉ có hai bài là xử lý vi phạm hành chính quý 1/2015 và bản đồ các tuyến xe buýt trong thành phố. Mục Hoạt động doanh nghiệp cũng chỉ có 4 bài viết về các hãng taxi, danh sách công ty lữ hành nội địa và quốc tế ở TP.HCM; danh sách các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận chuyển khách du lịch và danh sách hãng hàng không. Tất cả đều cập nhật hồi giữa 2015. Còn nếu muốn biết gì về các điểm đến, danh thắng, cuộc sống, con người... địa phương, trang web của Sở Du lịch không có một chút thông tin nào.
Trong khi đó, website của Tổng cục Du lịch đơn thuần chỉ là nơi chuyển tải thông tin hoạt động của ngành, mang tính phô trương, chứ không phải là địa chỉ cung cấp những thứ du khách cần. Các trang web của hiệp hội du lịch cũng mô phỏng theo cơ cấu thông tin của Tổng cục Du lịch. Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho rằng du khách nước ngoài vào VN tìm kiếm thông tin từ các nguồn ở bên ngoài, chủ yếu là các diễn đàn du lịch quốc tế và sách hướng dẫn không phải xuất bản ở VN.
“Những năm gần đây, tình trạng mất an toàn tài sản du khách khá phổ biến, đặc biệt là nạn cướp giật. Thế nhưng, không có bất kỳ hướng dẫn hay khuyến cáo nào trên mạng của ngành du lịch VN để khách cảnh giác. Việc qua đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng rất nguy hiểm với du khách, nhưng cũng không có chỉ dẫn nào để khách tránh được tai nạn. Hay đơn giản hơn, các trang web của ngành du lịch cũng không cập nhật các chương trình lễ hội thường niên trong nước, sự kiện du lịch nào diễn ra ở đâu, mùa nào đi biển phù hợp…”, vị này nói. Không chỉ vậy, theo các doanh nghiệp lữ hành, nếu họ muốn tìm kiếm hình ảnh hoặc video clip quảng bá du lịch VN để tiếp thị một cách chính thức ở các hội chợ, hay gửi cho đối tác cũng không thể tìm ra trên mạng của ngành du lịch VN. Phần lớn, họ đều tự thực hiện các sản phẩm này hoặc thậm chí sao chép lẫn nhau.
Thua cả Campuchia
Đối với du lịch, thông tin về điểm đến là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, xu hướng khách đi du lịch tự túc đông, nên họ luôn tìm kiếm thông tin chính thức để chuẩn bị cho hành trình của mình. Vì thế, ngành du lịch các nước luôn cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho du khách. Chẳng hạn, chỉ cần đánh cụm từ Kuala Lumpur Tourism Bureau (Cục Du lịch Kuala Lumpur, Malaysia) vào Google sẽ cho ngay kết quả ở hàng đầu (tên miền rất dễ nhớ là visitkl). Trang web chào mời du khách nhiệt tình: Đây là cổng thông tin cung cấp cho mọi người tất cả những gì cần thiết nhất về Kuala Lumpur, những điểm đến phải tới, những hoạt động phải tham gia, những nơi phải tới ăn và chọn chỗ lưu trú, sự kiện trong năm... Thậm chí, trang web này còn giúp du khách lên kế hoạch cho chuyến đi của mình như thế nào là hợp lý. Ngôn ngữ của trang web không chỉ đơn giản có tiếng Anh như hầu hết các trang web của ngành du lịch VN mà có cả tiếng Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập, Trung Quốc, Mã Lai.
Còn website của ngành du lịch Singapore phát triển hẳn một trang con bằng tiếng Việt cho du khách VN với đầy đủ thông tin chi tiết mọi vấn đề về đất nước này như giải trí, ẩm thực, mua sắm, quy định về thị thực, hoàn thuế, giao thông; đồng thời liên tục kêu gọi khách Việt đóng góp ý kiến để trang web hoàn thiện hơn. Khách cũng có thể tìm hiểu thông tin du lịch Singapore trên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube… Tương tự, trang web của Tổng cục Du lịch Campuchia cũng rất hiện đại và tiện ích khi liên kết với những mạng xã hội lớn, có dịch vụ đặt phòng trực tuyến, nộp hồ sơ xin visa điện tử, cung cấp bản đồ điện tử các điểm đến chính, cách nào tới các tỉnh thành thuận lợi nhất…
Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, nhận xét các website của ngành du lịch VN lạc hậu tới cả thập niên. Hơn 10 năm trước khi đến VN làm việc, ông đã tiếp cận với thông tin trên website của ngành du lịch giống hệt như bây giờ, kiểu của một trang thông tin thuần túy. “Mạng xã hội rất phát triển và các trang web du lịch trên thế giới cũng chuyển đổi theo chiều hướng đó, trở thành một smart website với tiêu chí tương tác trực tiếp, gần gũi với du khách, doanh nghiệp, độc giả được chú trọng. Với các trang web của ngành du lịch VN, người đọc hoàn toàn bị động, cách làm này đã hoàn toàn lỗi thời”, ông Robert Tan nhấn mạnh. Theo ông Tan, quảng bá điểm đến hiện nay không còn quá phụ thuộc vào các dự án tốn kém trên các kênh truyền hình quốc tế, mà phải biết kết hợp với mạng xã hội, trang web… Kinh phí quảng bá du lịch của VN không nhiều như các nước thì phải tận dụng những phương thức quảng bá hiệu quả nhưng ít hao tốn nguồn lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.