Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trang bị kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Thúy Hiền| 20/06/2023 12:38

(HNMO) – Nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia đình và cộng đồng để xây dựng thành phố an toàn, thân thiện; phát hiện và kịp thời hỗ trợ các trường hợp bị xâm hại; xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em...

Đó là một số nội dung được quan tâm tại Hội nghị “Kỹ năng triển khai công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đối với cán bộ cơ quan nhà nước" do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức ngày 20-6.

Quang cảnh hội nghị

Giới thiệu và triển khai Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Một số chỉ tiêu cơ bản của Đề án đã và đang được phấn đấu tập trung thực hiện, bao gồm: 100% vụ việc liên quan phụ nữ, trẻ em khi phát hiện, được Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về địa phương khi phát hiện, được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…

Đề án phấn đấu 100% cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tố tụng, cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội trên toàn thành phố tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho cán bộ làm công tác về lĩnh vực gia đình, trẻ em, bình đẳng giới; 50% hộ gia đình được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; 80% người có hành vi gây bạo lực khi phát hiện, được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực; 80% hội viên, phụ nữ, trẻ em được tập huấn các kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại…

Các đại biểu dự hội nghị.

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Tiến sĩ Phùng Thị An Na - Giảng viên chính Viện Lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trình bày chuyên đề: "Kỹ năng triển khai công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đối với cán bộ cơ quan nhà nước”.

Các học viên đã cùng chia sẻ các nội dung về bảo vệ an toàn và hỗ trợ điều tra thân thiện đối với các trường hợp bị xâm hại; kết nối các dịch vụ hỗ trợ tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đồng thời, đề cao việc thành lập, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình: “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”; mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trang bị kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.