Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên; Nghệ thuật múa Việt Nam đương đại: Tìm về yếu tố truyền thống, dân tộc; Khẳng định vai trò của phụ nữ, xây dựng Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”; Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU: Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải; Triển vọng lợi nhuận của ngành Ngân hàng: Có đạt mục tiêu cả năm?; Ứng dụng hợp đồng điện tử: Vì sao việc nhân rộng còn khó khăn?... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 20-10-2024.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024):
Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Câu nói của Anh hùng Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên được Đảng và Bác Hồ kính yêu dìu dắt, giáo dục từ tuổi thiếu niên, như một chân lý, có sức hiệu triệu, thôi thúc các thế hệ đoàn viên, thanh niên cùng nhau nỗ lực viết tiếp những trang sử vàng của thế hệ cha anh đi trước.
Tiếp bước Anh hùng Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Thủ đô nói riêng hôm nay vẫn không ngừng vun bồi lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm công dân; ra sức học tập, lao động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực; kế tục xứng đáng con đường cách mạng, nỗ lực viết tiếp những trang sử của thế hệ cha anh đi trước, kiến thiết và phát triển đất nước bằng những công trình, phần việc cụ thể, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hùng cường, một thành phố Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một Thủ đô thanh bình và thịnh vượng.
Nghệ thuật múa Việt Nam đương đại: Tìm về yếu tố truyền thống, dân tộc
Gần đây, nghệ thuật múa Việt Nam có nhiều tác phẩm khai thác tốt chất liệu truyền thống, dân tộc, tạo được tiếng vang. Đây là một xu hướng sáng tác đáng khích lệ, bởi vừa tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới, vừa gìn giữ và tôn vinh yếu tố truyền thống, dân tộc.
Là người khởi xướng tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam - Vietnam Dance Week - sự kiện thường niên lớn nhất ngành múa Việt Nam, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho rằng, việc tổ chức những sự kiện múa lớn tại các địa phương sẽ tạo sự kết nối giữa nghệ thuật - văn hóa - du lịch, thúc đẩy sự giao lưu giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc nói riêng với nghệ thuật chuyển động trong khu vực và quốc tế, từ đó mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh:
Khẳng định vai trò của phụ nữ, xây dựng Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những đóng góp không nhỏ của các thế hệ phụ nữ. Đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”.
Đặc biệt, 8h hôm nay (20-10), chương trình đồng diễn dân vũ với áo dài tại 579 xã, phường, thị trấn toàn thành phố sẽ xác lập kỷ lục có số người tham gia biểu diễn đông nhất Việt Nam, dự kiến là 70.000 người.
Với niềm tự hào và tình yêu Hà Nội, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô quyết tâm thực hiện thật tốt trách nhiệm của mình, tích cực góp phần phát triển Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng là thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU:
Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải
Đến hết quý III-2024, việc thực hiện 5/19 chỉ tiêu thuộc Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” vẫn tiếp tục bộc lộ nhiều khó khăn, trong đó có những chỉ tiêu "chấp chới" về khả năng hoàn thành. Phân tích các vướng mắc đang gặp phải, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cùng lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, địa phương đang quyết tâm tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực, với tinh thần rõ người, rõ hạn định tiến độ.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU chỉ đạo các đơn vị phải bám sát từng nội dung công việc, duy trì sự chỉ đạo tập trung, khoa học. Ban Chỉ đạo sẽ đề nghị UBND thành phố phân công các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách từng công việc, xác định thời gian xử lý và rõ kết quả giải quyết vướng mắc.
Với những chuyển dịch đồng bộ, hy vọng trong giai đoạn nước rút quan trọng này, các khó khăn của 5 chỉ tiêu sẽ được hóa giải, để thêm những tín hiệu khả quan, thêm những sản phẩm cụ thể đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Triển vọng lợi nhuận của ngành Ngân hàng: Có đạt mục tiêu cả năm?
Mặc dù không đạt như kỳ vọng, song bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong 9 tháng của năm 2024 được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều yếu tố không thuận lợi. Giới chuyên gia dự báo, các ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024 như đã đặt ra từ đầu năm.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều thuận lợi sẽ giảm bớt áp lực lên chính sách tiền tệ của các quốc gia.
Tín dụng vẫn được tập trung vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án giao thông, các dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản... Đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão lũ, ngân hàng tiếp tục có chính sách, chương trình hỗ trợ theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
Ứng dụng hợp đồng điện tử: Vì sao việc nhân rộng còn khó khăn?
Dù dần phổ biến và có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí mỗi năm, song việc ứng dụng hợp đồng điện tử vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Để nhân rộng việc sử dụng loại hình hợp đồng này, trước hết, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật,... để doanh nghiệp tin dùng.
Giám đốc Trung tâm Chữ ký số và hợp đồng điện tử (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) Đỗ Kế Công cho biết, một trong những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử là chi phí. Do đó, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói dịch vụ với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 đồng/lượt ký…
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) Trần Mạnh Cường cũng chia sẻ, đơn vị đã cung cấp giải pháp chữ ký số thao tác nhanh trên nhiều thiết bị, tiêu chuẩn bảo mật cao, ngăn ngừa giả mạo và rút ngắn thời gian giao dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.