(HNM) - 1. Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập hình ảnh mưa lũ đang tàn phá các tỉnh, thành phố ở khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.
Có thể nói, đây là trận mưa lũ lịch sử, kéo dài, diễn ra trên diện rộng nên thiệt hại chắc chắn sẽ vô cùng to lớn. Chứng kiến hình ảnh nhiều người dân Quảng Ninh tan tành cơ nghiệp trong phút chốc, thậm chí bị nhấn chìm, vùi lấp, mất mạng bởi cơn lũ nước, lũ bùn, lũ xỉ than, hay cảnh tượng những chiếc xe máy bất ngờ bị dòng nước hung bạo cuốn phăng trước sự bất lực của người dân ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) không khỏi khiến người ta nhói lòng…
Tại Quảng Ninh, từ ngày 25 đến 30-7, trận mưa lũ lịch sử, lớn nhất trong 40 năm qua đã tàn phá tỉnh này một cách khủng khiếp. Thống kê toàn tỉnh có 18 người chết, 6 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, thiệt hại vật chất ước tính lên tới 2.000 tỷ đồng và có thể còn lớn hơn nữa. Đến thời điểm này, mưa lũ đã lan rộng sang các địa phương khác như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định…, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Nhiều khu vực ở Thủ đô Hà Nội cũng đang trong tình trạng úng ngập nghiêm trọng. Dự báo mưa sẽ còn kéo dài và tiếp tục diễn ra trên diện rộng, vì vậy thiệt hại chắc chắn sẽ vô cùng to lớn. Đáng nói là mưa lũ đã lan rộng trong khi công tác khắc phục hậu quả thiên tai ở Quảng Ninh mặc dù đang rất nỗ lực nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù còn bộn bề công việc, đặc biệt là cũng đang phải căng sức đối phó với nguy cơ úng ngập, nhưng Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định dành khoản kinh phí 4 tỷ đồng để giúp Quảng Ninh khắc phục hậu quả của bão lũ. Phải khẳng định rằng, hành động kịp thời, thiết thực này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận và nhân dân Thủ đô cũng như cả nước. Lý do là bởi đây không chỉ là việc làm phát huy truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", mà nghĩa cử này còn khẳng định tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của Thủ đô đối với các địa phương gặp khó khăn, thể hiện đúng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Đây không phải lần đầu Hà Nội thể hiện rõ tinh thần chia sẻ với địa phương bạn. Năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một sự kiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Thủ đô và được nhân dân cả nước cũng như dư luận quốc tế trông đợi, thế nhưng lãnh đạo thành phố đã quyết định hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa tại 29/30 điểm để dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của trận lũ lụt lịch sử năm đó…
2. Trong những giờ phút căng thẳng, âu lo khi phải chứng kiến thiệt hại to lớn của người dân giữa cơn mưa lũ khủng khiếp đang sầm sập trút nước xuống các địa phương, ta càng thấm thía hơn những ca từ da diết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng".
Quả thực là người dân không chỉ ở Quảng Ninh mà tất cả những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai rất cần những tấm lòng giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng.
Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, ngoài 4 tỷ đồng của Thủ đô Hà Nội, đến hết ngày 31-7 đã có 190 cơ quan, đơn vị, tổ chức và các nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ. Đây là sự hỗ trợ kịp thời về tinh thần và vật chất nhằm giúp Quảng Ninh khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định cuộc sống người dân. Thực tế cũng cho thấy còn rất nhiều hành động cao đẹp khác hướng về những người dân bị hoạn nạn bởi mưa lũ, đơn cử như nhiều khách du lịch bị mắc kẹt ở đảo Cô Tô - trong tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, tiền bạc mang theo cạn kiệt - đã được chủ khách sạn, nhà nghỉ giảm giá phòng, hỗ trợ tiền ăn, thậm chí không ít chủ nhà còn tận tình nấu cơm miễn phí cho du khách; đồng thời, khi du khách được đưa từ Cô Tô về cảng Cái Rồng (miễn phí) thì tỉnh cũng hỗ trợ tiền ăn và tiền vé xe về nơi cư trú.
3. Nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng như tấm lòng của các tổ chức, cá nhân trong cả nước đối với người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ ở tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định: Xã hội rất cần những tấm lòng đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia trước những nỗi đau của người khác, thể hiện tình cảm yêu thương giữa con người với con người.
Tuy nhiên, trận mưa lũ vừa qua ở Quảng Ninh cũng như đợt mưa ngập đang diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Bắc cũng cho thấy một số vấn đề rất đáng suy nghĩ.
Trước hết là trận mưa lụt khủng khiếp cùng những thảm họa mà nó gây ra ở Quảng Ninh không phải là điều gì quá bất ngờ. Mặc dù là "thiên tai" - thảm họa do thiên nhiên gây ra, nhưng rõ ràng những thiệt hại to lớn của trận mưa lũ này không hẳn là "chuyện của trời", mà sẽ phần nào được hạn chế, nếu như con người - cụ thể là những người có trách nhiệm ở các cấp, ngành liên quan - nhận thức được rõ hơn ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Và nếu như có những quyết sách mang tính chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chắc chắn sẽ không có tình trạng khai thác rừng theo kiểu tận diệt; khai thác than thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm, hậu quả là những hầm lò ngang dọc trong lòng núi, những bãi chứa xỉ than 'treo" lơ lửng phía trên các khu dân cư… mỗi khi mưa lớn kéo dài phút chốc trở thành những túi nước khổng lồ ập xuống đầu người dân.
Tương tự là công tác quy hoạch, quản lý đô thị được làm tốt sẽ bảo đảm dòng chảy thoát nước, chắc chắn hạn chế được tình trạng úng ngập… Xét một cách sâu xa thì nếu như tất thảy mọi người - từ cấp có thẩm quyền ở địa phương cho đến doanh nghiệp, người dân - trước khi quyết định bất cứ một việc gì đều có tấm lòng vì cộng đồng, tư duy và hành động vì lợi ích cộng đồng, chắc hẳn hạn chế được những thảm họa do "nhân tai" gây ra.
Một chuyện khác, liên quan đến tình người cũng rất đáng nói. Cụ thể là ngay ở Quảng Ninh, tâm điểm chú ý của dư luận, một số chủ tàu trong lúc giải cứu du khách mắc kẹt ở đảo Cô Tô đã lợi dụng cơ hội để thu 100.000 đồng/người - mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo phải đưa khách vào bờ miễn phí. Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thư xin lỗi du khách, song hành động phản cảm này của một số chủ tàu ít nhiều đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Quảng Ninh, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang hướng về Quảng Ninh, chia sẻ tình cảm, trách nhiệm với người dân.
Còn chuyện "ủng hộ" của Tập đoàn Tuần Châu lại đặc sệt chất PR. Tập đoàn Tuần Châu đã có văn bản thông báo mời người dân vùng mưa lụt đến ăn ở hoàn toàn miễn phí tại các phòng nghỉ tiêu chuẩn khách sạn 3-4 sao tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (khoảng 1.000 phòng, sức chứa 10.000 người). Đồng thời, tổ chức bán đấu giá xe Roll Royce Fantom để lấy tiền hỗ trợ người dân vùng mưa lũ… Người dân vùng lũ sập nhà, cách trở sông, núi, đường đi, chẳng ai lại vượt bao nhiêu gian khổ để đến Tuần Châu ăn bữa cơm, nghỉ một đêm khách sạn 5 sao cả!? Cái họ cần là bữa ăn hằng ngày tại chỗ, là giường nằm, là đồ dùng thiết thân!
Trên một số tờ báo điện tử đưa tin tiểu thương ồ ạt gom rau ở các tỉnh lân cận mang về Quảng Ninh bán cho người dân vùng mưa lũ. Vẫn biết đây là quy luật thị trường, nhưng việc mang hàng hóa ra bán, thu lợi nhuận từ người dân đang chịu ảnh hưởng thiên tai, có người còn trắng tay, chịu nỗi đau mất người thân, mất nhà cửa…, là hành động phản cảm, ích kỷ và không nên cổ vũ, khuyến khích.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác thì thông tin này gợi mở yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan, nhất là ngành công thương, cần tổ chức ngay những chuyến mang hàng hóa thiết yếu, hàng bình ổn giá đến phục vụ người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ, thậm chí có thể tặng miễn phí, thay vì đóng góp tiền mặt hoặc những hiện vật không thực sự thiết thực.
"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng". Xã hội luôn cần lắm những tấm lòng. Những tấm lòng nhân ái sẽ giúp con người vững bước qua cơn hoạn nạn. Những tấm lòng yêu thương con người, tư duy và hành động đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, nếu được nhân rộng và trở nên phổ biến trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.