Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràn lan bến thủy nội địa trái phép

Hà Phạm| 18/10/2013 07:14

(HNM) - Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có tới 54 bến thủy nội địa (BTNĐ) trái phép, tăng 10 bến so với 2 tháng trước. BTNĐ trái phép đã khiến tình trạng mất an toàn về giao thông thủy, ảnh hưởng đến các công trình giao thông trong khu vực hành lang bảo vệ gia tăng.

Các bến thủy trái phép đang gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh.



Theo thống kê của Sở GTVT, hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 54 BTNĐ hoạt động trái phép tập trung chủ yếu ở các địa bàn quận 2 (1 BTNĐ), quận 7 (5 BTNĐ), quận 8 (4 BTNĐ), quận 9 (2 BTNĐ), quận 12 (6 BTNĐ), huyện Bình Chánh (24 BTNĐ), huyện Nhà Bè (10 BTNĐ) và huyện Cần Giờ (2 BTNĐ). Điều đáng nói, cách đây 2 tháng, con số này chỉ có 46 BTNĐ không phép. Những BTNĐ trái phép này hình thành khá dày đặc trên từng tuyến sông, kênh rạch và ngay trong phạm vi bảo vệ hành lang bảo vệ các công trình giao thông. Cụ thể, trên sông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh) có tới 16 bến; luồng sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ và Nhà Bè) có 12 bến; sông Sài Gòn (quận 2 và 12) có 6 bến...

Đáng lưu ý, hàng loạt BTNĐ trái phép nêu trên do các công ty lập ra hoặc thuê lại để vận chuyển hàng hóa, cát sỏi, vật liệu xây dựng… Đơn cử, tại kênh Đôi (cách cầu Chánh Hưng 70m về phía hạ lưu, quận 8), Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Đồng Mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa hàng ngày tại BTNĐ trái phép. Tương tự, tại quận 7, trên sông Phú Xuân (cách cầu Phú Xuân 570m về phía hạ lưu), Công ty TNHH Hoàng Nam Hải thuê lại bến thủy của Công ty Cấp nước Nhà Bè để hoạt động trái phép. Trên địa bàn quận 9, tại khu vực của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trọng Thiện cũng mọc lên bến trái phép rộng cả vài trăm mét vuông để chuyên chở tập kết cát từ các sà lan lên bờ.

Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), số lượng bến tăng thời gian qua và tồn tại được là do chính quyền địa phương không có biện pháp kiên quyết kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm; các hình thức phạt bổ sung như buộc tháo dỡ hoặc cưỡng chế khi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Cũng theo ông Phan Công Bằng, các BTNĐ trái phép này đã gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa do việc bốc dỡ cát làm lòng sông, rạch thay đổi dòng chảy, làm sạt lở bờ sông, rạch.

Trả lời chất vấn của chúng tôi về giải pháp đối với tình trạng các BTNĐ trái phép của các doanh nghiệp "mọc ra như nấm", Sở GTVT cho hay vừa đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư; UBND quận, huyện xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp lập bến thủy trái phép. Thời gian tới, Thanh tra Sở GTVT và các cơ quan có liên quan sẽ lập kế hoạch kiểm tra, xử lý triệt để các BTNĐ hoạt động không phép; đồng thời, có biện pháp cưỡng chế đối với các bến vẫn cố tình hoạt động trái phép trên địa bàn; kiên quyết không cấp phép hoạt động cho các bến thủy nếu nằm trong hành lang bảo vệ cầu…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan bến thủy nội địa trái phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.