(HNM) - Trần Hùng John sinh ra (năm 1989) và lớn lên ở Mỹ, bố mẹ anh đều là người Việt.
- Cuốn sách “John đi tìm Hùng” có cái tít đầy ý nghĩa. Xin hỏi ý tưởng về cái tên này đến với anh như thế nào?
- Khi lớn lên ở Mỹ, tôi đã nghĩ mình chỉ là người Mỹ và có tên là John. Tôi không bao giờ giới thiệu với mọi người tên đệm của mình là Hùng, vì tôi đã thấy xấu hổ khi mọi người không phát âm đúng được cái tên ấy. Tôi đã không biết gì về Việt Nam và còn không nói được tiếng Việt. Khi về Việt Nam, tôi đã yêu đất nước và con người ở đây. Dần dần tôi nhận thấy chất Việt Nam có ở trong mình. Nhưng rất nhiều người nói tôi sẽ không thể trở thành người Việt Nam thực sự bởi vì tôi không sinh ra ở đây. Tôi đã rất giận khi người ta nói như vậy vì dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong người tôi. Và đó cũng là một trong những lý do cho tôi cảm hứng để bắt đầu chuyến đi này, để khám phá xem là người Việt Nam nghĩa là như thế nào.
Trần Hùng John. |
- Anh nói tiếng Việt khá tốt, song để viết một cuốn sách bằng tiếng Việt hẳn không dễ dàng?
- Tôi vẫn cần học thêm tiếng Việt. Tôi đã nghe thấy những người da trắng nói tiếng Việt một cách hoàn hảo và tôi thấy khá xấu hổ. Lúc đầu tôi viết cuốn sách bằng tiếng Anh, sau đó được hỗ trợ để dịch ra tiếng Việt. Tôi có thể đọc và viết tiếng Việt nhưng tôi vẫn cần phải học nhiều.
- Anh đã đi bộ nhiều ngày qua cả nghìn cây số, làm nhiều công việc tay chân vất vả để kiếm sống, để hòa nhập và tìm hiểu về cuộc sống của người Việt. Liệu động lực lớn nhất cho hành trình này của anh có phải là khát khao tìm hiểu về nguồn gốc của mình hay còn có tâm lý ưa phiêu lưu mạo hiểm và cảm hứng chinh phục kiểu Mỹ?
- Cảm hứng lớn nhất của tôi là việc tìm hiểu nguồn gốc của bản thân. Tôi đã từng giận dữ khi người ta nói tôi không thể là người Việt Nam thực sự vì tôi không sinh ra ở đây. Nhưng tôi nghĩ, nhiều người trong số họ cũng thực sự không hiểu hết ý nghĩa của việc “là người Việt Nam”. Việt Nam rất đa dạng, mỗi địa phương đều có văn hóa, giọng nói, đồ ăn riêng, vậy nên đâu thể nói là người Việt Nam thì bạn phải như thế này hay thế kia. Vì thế, tôi muốn đi và tận mắt nhìn những nét đẹp đa dạng, phong phú đó ở khắp mọi miền của đất nước.
- Anh từng nói “trên tấm hộ chiếu tôi là người Mỹ, nhưng trong dòng máu chạy thẳng qua tim, tôi là người Việt Nam”. Qua hai cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt vừa qua, anh đã tìm lại được bao nhiêu phần Việt Nam trong con người mình? Bạn đọc có thể được biết về một cuộc gặp gỡ xúc động nhất của anh?
- Tôi nghĩ là 100%. Tôi không thể chọn nơi mình sinh ra và lớn lên. Tất nhiên, tôi cũng có phần tự hào là người Mỹ, nhưng trong tim, tôi là người Việt Nam, dòng máu chảy trong tôi là của Việt Nam. Tôi nghĩ là có quá nhiều kỷ niệm xúc động nên thật khó để chọn chỉ một. Mỗi lần được một gia đình chào đón, mời dùng bữa và làm việc cùng họ là một trải nghiệm tuyệt vời.
Tác phẩm “John đi tìm Hùng”. |
- Theo quan sát của anh, những giá trị văn hóa nào của người Việt hiện nay là đáng quý và khó tìm thấy trên đất Mỹ?
- Sống tình cảm. Ở Mỹ, mọi người thường không biết tới hàng xóm. Mọi người đi làm cả ngày và về nhà là đóng cửa. Có thể vào cuối tuần thì sẽ tụ tập. Ở Việt Nam, mọi người gần gũi với nhau hằng ngày. Ở đây, tôi dần hiểu được rằng, tiền không phải là điều quan trọng nhất. Người ta có thể không giàu có nhưng vẫn có thể sống rất vui vẻ.
- Anh nghĩ gì khi nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay đang cố sống và tìm kiếm một cuộc sống theo kiểu Mỹ (từ hình thức bên ngoài cho đến sinh hoạt), trong khi anh thì lại sẵn sàng từ bỏ cuộc sống Mỹ để “chân lấm tay bùn” với người nông dân Việt?
- Tôi nghĩ điều đó thật buồn. Văn hóa, âm nhạc và cách sống Hàn Quốc hay Mỹ chỉ là bề nổi và nó không phải là của chúng ta. Vấn đề là người trẻ bây giờ không đủ lòng tự hào khi là người Việt Nam. Tôi thấy lo lắng cho tương lai khi thấy rõ rằng, văn hóa của Việt Nam đang dần dần bị mất đi. Một động lực nữa cho chuyến đi của tôi, đó là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Không nhiều bạn có cơ hội thực hiện chuyến đi như tôi, vì vậy tôi hy vọng có thể giúp chia sẻ với họ sự tuyệt vời và nét đẹp của Việt Nam để chúng ta có thể cùng tự hào về đất nước của mình.
- Xin cảm ơn anh!
Trần Hùng John tốt nghiệp Đại học Berkeley (Mỹ). Anh về Việt Nam lần đầu năm 2010 trong chương trình học tập trao đổi văn hóa và trở lại năm 2011. Từng làm MC truyền hình cho chương trình "Góc nhìn Việt Nam" và "Một ngày làm người Việt" của VTC10 và VTV4. Năm 2012, anh thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt lần đầu tiên trong 80 ngày để khám phá đất nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.