Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Gỡ vướng để phát triển

Thu Trang| 08/12/2019 06:35

(HNM) - Xây dựng và nhân rộng mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên là chủ trương được thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện. Tuy nhiên, từ kiểm tra thực tế trong tháng 11 vừa qua,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, nơi nào có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương thì mô hình này phát huy hiệu quả. Thực tế quá trình triển khai vẫn còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.

Mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đã mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Linh Ngọc

Lợi ích đã rõ

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) Vũ Duy Hưng khẳng định, từ 4 trạm y tế thí điểm hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình trong năm 2018, hết năm 2019, Hà Nội sẽ có tối thiểu 45% số trạm y tế trên địa bàn triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình như mục tiêu đã đề ra. Thời gian qua, thành phố đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên các trạm y tế.

Từ khi trở thành một trong 4 trạm y tế đầu tiên thực hiện theo mô hình nguyên lý y học gia đình, Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) đã có một cơ ngơi khang trang, với 23 phòng chức năng cùng các trang thiết bị phục vụ cho các chuyên khoa: Nội, sản, nhi, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt… Hằng tuần, các bác sĩ của Bệnh viện Châm cứu trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội về trạm hỗ trợ khám bệnh. Tính đến cuối tháng 10-2019, tổng số lượt khám bệnh tại đây lên tới hơn 13.000 lượt và trung bình mỗi ngày khám, điều trị cho từ 50 đến 60 bệnh nhân, tăng gấp đôi so với trước khi triển khai mô hình điểm.

Bác sĩ Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội cho biết, trước đây, theo mô hình cung ứng dịch vụ truyền thống, bác sĩ chủ yếu tập trung phát hiện bệnh lý và điều trị. Còn với mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, hướng tới dự phòng cho cộng đồng; qua đó, người dân không phải vượt tuyến, được khám và điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại và chăm sóc...

Sau khi bị tai biến, ông Nguyễn Trọng Thạc (50 tuổi ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) hằng ngày vẫn phải đi hơn 30km để đến bệnh viện tuyến trung ương châm cứu, phục hồi chức năng. Thế nhưng, từ khi Trạm Y tế xã Tân Hội có phòng chẩn trị y học cổ truyền thực hiện châm cứu nên 2 tháng nay, ông Thạc không còn phải vất vả lên bệnh viện tuyến trung ương.

Tương tự, theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) Trần Trọng Thắng, từ khi triển khai mô hình nguyên lý y học gia đình, trung bình tại đây tiếp nhận từ 60 đến 70 bệnh nhân/ngày, thậm chí có ngày lên đến hơn 100 bệnh nhân. Không những vậy, việc trạm y tế triển khai quản lý các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…, giúp người bệnh phòng ngừa biến chứng, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên.

Còn tại huyện Hoài Đức, trong hai năm 2018 và 2019, huyện đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng để nâng cấp 13/20 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, số lượng người đến khám, tư vấn, điều trị ngày càng tăng. Nếu như năm 2015, tại 20 trạm y tế đón tiếp khoảng 5.368 lượt người, thì đến năm 2018 con số này đã tăng lên 236.284 lượt người và trong 9 tháng năm 2019 là gần 270.000 lượt người...

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại Trạm Y tế xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Xuân Lộc

Bên cạnh kết quả tích cực, thực tế, một số trạm y tế đã triển khai theo mô hình này, nhưng lượng bệnh nhân chưa tăng như kỳ vọng. Đơn cử như tại huyện Mỹ Đức, trong tháng 9 và tháng 10-2019 đã đưa vào hoạt động 5 trạm y tế xã theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Thế nhưng, so với trước khi triển khai mô hình này, lượng người đến khám, chữa bệnh không thay đổi. Tại Trạm Y tế xã Phùng Xá, trước và sau khi triển khai, trung bình số lượt khám, chữa bệnh là 1,3 lượt người/ngày. Còn tại Trạm Y tế xã An Phú chỉ tăng từ 1,54 người/ngày, lên 1,6 lượt người/ngày… Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Trần Văn Mười, mặc dù các trạm y tế đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật, được bảo hiểm xã hội thanh toán, nhưng số lượng các chuyên khoa được phê duyệt rất ít (từ 6 đến 7 chuyên khoa). Chính vì trạm y tế không được thanh toán bảo hiểm y tế cho nhiều kỹ thuật chuyên khoa nên không thu hút được người dân. Thêm vào đó, tại các trạm y tế thiếu nhân lực để đáp ứng theo mô hình nguyên lý y học gia đình...

Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Châm cứu trung ương) Lê Thanh Hải cho rằng, cùng với khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực của các trạm y tế cũng cần được quan tâm. Bởi, khi các bác sĩ tuyến trên tăng cường cho các trạm y tế rút đi, liệu các bác sĩ tuyến cơ sở có bảo đảm được chất lượng chuyên môn như khi cùng phối hợp với các bệnh viện tuyến trên không?

Trước những khó khăn, hạn chế đang đặt ra, tháng 11-2019, trực tiếp kiểm tra tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định, nơi nào có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, thì nơi đó mô hình này phát huy hiệu quả. Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu, thời gian tới các đơn vị tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trong việc tầm soát, dự phòng và phát hiện sớm bệnh tật. Mặt khác, tại các địa phương cần bố trí đủ kinh phí theo quy định của thành phố, bảo đảm kinh phí chi thường xuyên cho các trạm y tế kịp thời, hiệu quả. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, điều động và ưu tiên bố trí nhân lực bảo đảm cơ cấu, số lượng cán bộ cho các trạm y tế điểm. Trong trường hợp chưa tuyển dụng đủ bác sĩ, đơn vị xem xét hợp đồng với bác sĩ nghỉ hưu hoặc đề xuất cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên cử bác sĩ đi luân phiên có thời hạn hỗ trợ các trạm y tế.

Theo Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) Vũ Duy Hưng, ngành Y tế Hà Nội đang đề xuất thông qua xét tuyển, không thi tuyển các vị trí tại trạm y tế; mặt khác, các trạm y tế sẽ tiếp tục cử y sĩ đào tạo liên thông lên bác sĩ. Đặc biệt, khi các bác sĩ tuyến trên xuống tăng cường cần có các phương án để nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở. Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị với Bộ Y tế về một số khúc mắc trong quá trình thanh toán bảo hiểm y tế và đề xuất việc bảo đảm nguồn tài chính tại các trạm y tế...

Hà Nội đề ra mục tiêu, đến năm 2020 có 80% và năm 2021 đạt 100% số trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Để đạt được mục tiêu ấy, đòi hỏi ngành Y tế thành phố và các địa phương phải nỗ lực hơn nữa, nhanh chóng khắc phục những khó khăn đang đặt ra hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Gỡ vướng để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.