(HNM) - Cứ dịp đầu năm học mới là dư luận lại rộ lên nỗi băn khoăn, bức xúc về mức độ gia tăng và sự không rõ ràng trong danh sách các khoản thu của nhiều trường học. Văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh việc quản lý thu - chi của các cấp quản lý liên tiếp được phát ra, song dường như chưa rõ hiệu quả.
Đằng sau niềm vui đến trường của các em học sinh là nỗi lo những khoản phải đóng góp của phụ huynh. Ảnh: Viết Thành |
Thử làm bài toán thu - chi
Để hạn chế tình trạng nhà trường đặt ra quá nhiều khoản thu mang danh nghĩa thỏa thuận, năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã "điểm mặt, chỉ tên" 4 khoản mà các nhà trường không được thu của học sinh (HS), gồm phí bảo vệ, vệ sinh, an ninh và trông giữ xe đạp. Bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Nhiều năm nay, các trường học đều thu các khoản này của phụ huynh HS dưới hình thức thỏa thuận. Tuy nhiên, từ năm 2011, với định mức phân bổ ngân sách mới, các trường có thể tự cân đối trên cơ sở nguồn kinh phí được giao. Theo đó, định mức chi cho mỗi HS/năm học đã tăng gấp hơn 2 lần so với mức cũ, tùy theo từng cấp học (mầm non từ 2 triệu/HS/năm lên 3,4 triệu/HS/năm; tiểu học từ 1,3 triệu/HS/năm lên 3,4 triệu/HS/năm…).
Để đưa ra ý kiến chỉ đạo, Sở GD-ĐT đã tiến hành khảo sát và tính toán tỷ lệ thu 4 khoản nói trên trong tổng chi thường xuyên của một số đơn vị. Kết quả cho thấy, như Trường THPT Lê Quý Đôn thuộc quận Đống Đa mỗi năm được ngân sách cấp gần 7,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi lương và các khoản theo lương, nhà trường còn lại hơn 2,3 tỷ cho các khoản chi thường xuyên. Mức thu mỗi tháng/HS cho 4 khoản này của trường là 13 nghìn đồng, tổng tiền thu được là hơn 235 triệu đồng, bằng gần 10% tổng kinh phí chi thường xuyên. Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội, đó là những khoản mà nhà trường không cần thu bởi họ có thể tự cân đối được. Kết quả khảo sát gần 20 trường ở các địa bàn cho thấy đa số đều có tỷ lệ thu ở mức 6-9%. Nhìn tổng thể, với số thu thực tế hiện nay ở các trường và nguồn kinh phí được giao theo định mức mới từ năm 2011, các trường hoàn toàn có thể tự điều chỉnh mức thu - chi trong kinh phí được giao, như thế sẽ bớt gánh nặng cho phụ huynh và giảm được sự ì xèo không đáng có.
Thế nhưng trong thực tế, ý kiến đại diện lãnh đạo một số phòng GD-ĐT và các nhà trường lại cho rằng không nên "trói tay" cơ sở đến thế, bởi điều kiện hoàn cảnh mỗi trường khác nhau. Dẫn chứng: biên chế cho mỗi trường chỉ được một nhân viên cho tất tật công việc, từ quét dọn, trông xe đến phục vụ… với mức lương theo hệ số quy định khoảng 1 triệu đồng. Định biên là thế nhưng trên thực tế, để bảo đảm cho sự vận hành thì riêng với bộ phận lao công, mỗi trường ít nhất phải thuê 2-3 người tùy theo diện tích và mức độ công việc. Với lực lượng bảo vệ, nhu cầu không khác là bao và nhà trường phải bảo đảm mức lương cho mỗi người không dưới 2 triệu đồng/tháng. Theo bà Nguyễn Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt (Hoàng Mai) thì so với các trường có cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, Trường Thịnh Liệt có phần thiệt thòi. Cơ sở vật chất nhà trường hiện đã quá xuống cấp, sân trường luôn ngập nước khi mưa xuống, lại có đường cống thoát nước của nhà dân đi qua giữa sân trường nên hằng tháng phải tốn khá tiền cho việc dọn dẹp thường xuyên, phun thuốc diệt khuẩn…
"Rắn" với hiệu trưởng, chấn chỉnh hội phụ huynh
Chỉ riêng với những khoản thu theo thỏa thuận đã thấy thật khó để có một đáp án chung thỏa mãn cho tất cả các trường trong việc giải bài toán cân đối thu - chi. Vấn đề là ở chỗ công tác quản lý thế nào để các trường không thể làm bừa hoặc cố tình lạm dụng danh nghĩa thu theo thỏa thuận hay "đóng góp tự nguyện" để thu nhiều, thu sai, gây bức xúc trong dư luận. Theo ý kiến của những người nhiều năm làm công tác quản lý, để nhận được sự đồng tình của phụ huynh thì việc công khai, minh bạch từng khoản thu - chi là vô cùng cần thiết. Không gì quan trọng hơn sự minh bạch trong vấn đề vốn dĩ nhạy cảm này. Điều quan trọng khiến phụ huynh ấm ức là bởi họ "mù tịt", không biết tiền nhà trường đã thu được dùng vào việc gì, chứ chưa chắc đã là do phải nộp tiền, đặc biệt là với những trường mà sự khó là rõ ràng. Kinh nghiệm của Trường Tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai) là xây dựng chi tiết dự toán kinh phí thực chi theo công việc, đặc biệt chú trọng nhu cầu phục vụ cho việc học của HS. Kế hoạch này được thống nhất trong ban giám hiệu, cấp ủy, chi bộ, hội đồng sư phạm và ban chấp hành hội cha mẹ HS, sau đó lấy ý kiến bằng văn bản với từng phụ huynh. Mỗi phụ huynh đều có thể tìm hiểu cặn kẽ từng mục dự toán thu - chi và có quyền góp ý công khai. Tại Trường THCS Thịnh Liệt, năm học này, do điều kiện khó khăn nên nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh HS.
Khi các bé vào học cũng là thời điểm nhiều bậc cha mẹ phải lo những khoản phải đóng góp. Ảnh: Thu Giang |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.