Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trạm gây nhiễu tối tân của Nga

Theo VPK, lenta, chinhphu.vn| 18/09/2013 09:43

Trạm gây nhiễu của Nga 1L269 Krasuha-2 nhằm chế áp điện tử mềm trước hoạt động tác chiến trên không, mặt đất của đối phương.

Một trạm tác chiến điện tử 1L269 Krasuha-2 ở tư thế triển khai chế áp.



Chế áp điện tử mềm là thủ đoạn sử dụng các biện pháp gây nhiễu, tạo mục tiêu giả, làm biến dạng tín hiệu thu… bằng năng lượng điện từ trường phát xạ hoặc phản xạ, nhằm đánh lừa điện tử để ngăn cản, loại trừ, giảm hiệu quả hoạt động các loại vũ khí của đối phương.

Trạm gây nhiễu của Nga 1L269 Krasuha-2 được giới thiệu có khả năng thu, dò tín hiệu phát ra từ đối phương, sau đó định vị vị trí và tiến hành bức xạ sóng vô tuyến (gây nhiễu sóng vô tuyến) với công suất cao, chế áp các hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo của đối phương. Nó có antenna dạng parabol, xoay 360 độ, cùng tổ hợp thu phát đặt trên xe hạng nặng.

Nó còn làm giảm chất lượng, thay đổi, biến dạng thông tin, chất lượng đường truyền và tạo ra một môi trường truyền sóng hỗn độn tần số với sự lấn lướt về công suất từ trạm phát nhiễu, từ đó bảo vệ các hệ thống điện tử của mình trước những tác động tác chiến điện tử của đối phương.

Liên hiệp khoa học-sản xuất (NPO) Kvant của Nga giới thiệu tổ hợp gây nhiễu và tác chiến điện tử 1L269 Krasuha-2 có khả năng "làm mù mắt" các hệ thống radar máy bay chiến đấu hiện đại, trong đó cả máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS).

Tổ hợp tác chiến điện tử 1L269 Krasuha-2 mới được Nga giới thiệu lần đầu tiên dạng mô hình ở triển lãm quốc phòng LIMA 2013 tại Malaysia cuối tháng 3/2013. Tuy vậy, nhà sản xuất không nói chi tiết về công suất và cự ly chế áp, cũng như thời gian phản ứng khi dò được nguồn bức xạ.

Một số nước có mô hình chế áp điện tử mềm đi liền với “chế áp cứng”, là giải pháp tiến công bằng tên lửa cao tốc, bắn thẳng vào nguồn phát nhiễu của đối phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm gây nhiễu tối tân của Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.