(HNM) - Trái sơ ri là một loại quả có nguồn gốc ở Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIX. Do đặc điểm sinh thái tự nhiên ít nơi nào có được mà vùng đất Gò Công (tỉnh Tiền Giang) rất phù hợp cho cây sơ ri phát triển thuận lợi. Những năm qua, sơ ri trở thành sản phẩm đặc sản của vùng Gò Công. Hiện nay, vùng chuyên canh sơ ri tập trung tại các xã Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông, Kiểng Phước thuộc huyện Gò Công Tây và một phần thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Quả sơ ri có dạng hình tròn, 3 múi, vỏ nhẵn bóng, mỏng, khi chín chuyển sang màu đỏ. Có hai loại sơ ri là sơ ri chua và sơ ri ngọt. Mùa chính thu hoạch trái sơ ri là từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, ngoài ra còn có thể thu hoạch trái mùa từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch. Trái sơ ri được đánh giá là một loại quả giàu vitamin C, nhiều hơn cả cam, chanh và xoài. Theo các nghiên cứu khoa học, nhu cầu vitamin C của một người trưởng thành là khoảng 50mg/ngày, tương đương mỗi ngày chỉ cần ăn 4 quả sơ ri chua hoặc 5 quả sơ ri ngọt.
Sơ ri Gò Công đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sơ ri Gò Công. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận trái sơ ri Gò Công thuộc tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Sản phẩm được bán tại các siêu thị, chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.