Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm từ nhiều phía

Bắc Vũ| 04/02/2023 06:34

(HNM) - Dịp đầu năm và trong kỳ lễ hội xuân là thời điểm người dân thường sử dụng nhiều loại thực phẩm cũng như rượu, bia trong bữa ăn. Việc sử dụng thực phẩm an toàn, đúng cách, đúng liều lượng thì không có gì đáng nói; tuy nhiên, nếu không may dùng phải thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sử dụng quá liều lượng thì rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Vấn đề nổi lên những ngày gần đây được dư luận quan tâm là tình trạng ngộ độc rượu. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) cao. Chỉ tính riêng thời gian từ 7h mùng 3 Tết đến 7h mùng 4 Tết Quý Mão (ngày 24-1), tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn ở các cơ sở y tế là 117 trường hợp (tăng 60,3% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022), trong đó có đến 59 trường hợp được xác định là ngộ độc hoặc say rượu, bia. Mới đây nhất có một trường hợp nam bệnh nhân 46 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc bị ngộ độc methanol và tử vong sau một ngày nhập viện.

Từ thực tế nêu trên, nhìn rộng ra, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, nhất là sử dụng đồ uống có cồn trong mỗi gia đình là rất quan trọng và cần quan tâm đúng mức. Theo đó, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt lưu ý, mọi người không lạm dụng rượu, bia; cân nhắc, sử dụng hạn chế và uống rượu, bia đúng cách, trong bối cảnh phù hợp với bản thân và những người xung quanh. Trong trường hợp sử dụng rượu, bia cần nhận thức rõ tác dụng của thức uống này thường là có hại cho sức khỏe hơn là có lợi. Cồn trong rượu, bia cũng có tác dụng sinh năng lượng nhưng là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở nhỏ lẻ, nấu rượu thủ công. Qua đó, ngăn chặn kịp thời việc đưa ra thị trường các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Nếu phát hiện trường hợp ngộ độc hoặc nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, cần tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu; xác định rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Xét trên bình diện chung, cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng đồ uống có cồn một cách an toàn. Cụ thể là tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm tới các nhóm đối tượng đích, gồm: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, kinh doanh và bảo quản thực phẩm an toàn; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm cho cán bộ công tác trong lĩnh vực này… Cùng với đó là nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Làm sao để mọi thông tin về bảo đảm an toàn thực phẩm luôn đến với người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh rượu, bia, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung luôn là trách nhiệm từ nhiều phía!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.