Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm từ hai phía

Linh Nhi| 29/01/2013 06:41

(HNM) - Một bộ phận nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) chưa tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Nguyên nhân, một phần do nữ CNVCLĐ còn nặng tâm lý tự ti, mặt khác vai trò công đoàn (CĐ) chưa được phát huy tốt trong công tác vận động nữ CNVCLĐ. Không ít nam cán bộ còn né tránh trách nhiệm, xem nhẹ công tác nữ công...


Đó là đánh giá của nhiều cán bộ làm công tác nữ công trong hệ thống CĐ Thủ đô tại hội thảo đánh giá 3 năm thực hiện Chương trình 03-CTr-LĐLĐ của LĐLĐ thành phố Hà Nội về "Tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới, nhiệm kỳ 2009-2013" vừa diễn ra tuần qua.

Phụ nữ quận Hoàn Kiếm tham gia Hội thi Tài năng nấu ăn. Ảnh: Bảo Lâm


Một trong những vấn đề nổi cộm được bàn thảo sôi nổi tại hội thảo này là hiện nay khá nhiều nữ CNVCLĐ chưa nhận thức được rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của họ đối với công việc, sự nghiệp. Không ít nữ CNVC làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhưng ngại nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với lực lượng nữ công nhân lao động thì tâm lý tự ti, an phận rất phổ biến. Điều này có thể thấy rõ khi họ thụ động tuân thủ mọi yêu cầu làm việc của chủ sử dụng lao động đề ra, chấp nhận làm ngoài giờ vượt quá quy định tới 4 đến 5 giờ/ngày và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nguy hại sức khỏe mà không dám đấu tranh đòi quyền lợi.

Nói về thực trạng này, Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương dẫn chứng, CĐ đã triển khai nhiều phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ như "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Mẹ lao động giỏi, con học giỏi" gắn với phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc", đồng thời chú trọng việc bảo đảm chế độ, chính sách cho lao động nữ, nhưng hiệu quả chưa cao. Không ít chị em nữ CNVCLĐ trên địa bàn chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của chính mình nên thiếu mặn mà với các hoạt động phong trào, thậm chí còn cho rằng, vai trò chính của họ chỉ nên là "người giữ lửa" trong gia đình.

Bà Trần Thị Mỹ Châu, Phó Chủ tịch CĐ Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Từ Liêm cho rằng nữ công nhân lao động trực tiếp sản xuất vốn hay tự ti về công việc, nên dễ cam chịu coi đó như là "số phận".

Như vậy, rất cần “cú hích” đủ mạnh làm thay đổi suy nghĩ đó ở nữ CNVCLĐ, khích lệ họ chủ động vượt qua rào cản tâm lý, chủ động tham gia các hoạt động tập thể, chịu khó học tập, tự nâng mình lên - đây chính là cái gốc của vấn đề.

Để tháo gỡ vấn đề này, cần xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ CĐ. Nhiều cán bộ CĐ cơ sở thẳng thắn thừa nhận nhiều nơi chưa coi trọng tổng kết rút kinh nghiệm, do đó việc nhân rộng các mô hình tốt, điển hình tiên tiến không thành nền nếp, trong khi đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở của cấp trên chưa kịp thời, chưa có nơi nào bị xử lý kỷ luật vì "bỏ quên" trách nhiệm đối với công tác nữ...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội đánh giá, các cấp CĐ đã triển khai khá bài bản các nội dung về công tác vận động nữ CNVCLĐ theo hướng dẫn của CĐ cấp trên như: Tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi "Hái hoa dân chủ"; tổ chức các lớp học tập, tập huấn công tác nữ công; xây dựng đề cương, tài liệu dễ nhớ, dễ hiểu về bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực... Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đồng đều. Ngoài hạn chế về trình độ và tâm lý của một bộ phận nữ CNVCLĐ, còn tồn tại phổ biến tình trạng nam cán bộ thờ ơ, né tránh trách nhiệm trước công việc nữ công. Tại nhiều cuộc triển khai công tác, đến phần công tác nữ, cán bộ nam (trong đó bao gồm cả lãnh đạo cơ quan, đơn vị, DN và cán bộ CĐ) bỏ ra ngoài vì cho rằng đó là nhiệm vụ riêng của cán bộ làm công tác nữ công. Điều này dẫn đến việc khó tạo sức mạnh đồng thuận trong triển khai công tác nữ ở mỗi cơ quan, đơn vị...

Trước tình hình này, LĐLĐ TP Hà Nội xác định sẽ tăng cường đối thoại, thúc đẩy quan hệ phối hợp cộng đồng trách nhiệm giữa tổ chức CĐ với các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác vận động CNVCLĐ. Đồng thời, tổ chức CĐ cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục quán triệt Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ban nữ công cơ sở và có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nam cán bộ CĐ về công tác nữ công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm từ hai phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.