Góc nhìn

Trách nhiệm, lương tâm và bổn phận

Hiền Lương 21/09/2023 - 06:12

Việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới vừa là trách nhiệm chính trị, vừa là lương tâm, bổn phận của mỗi tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở.

Chỉ thị nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả. Chỉ thị cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ này.

Một trong những chỉ đạo nổi bật được nêu trong Chỉ thị là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về pháp luật phòng cháy, chữa cháy cũng chính là giải pháp quan trọng nhất hiện nay. Và “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là nguyên tắc quan trọng hàng đầu cần tuân thủ. Đây còn là nguyên tắc được nêu rõ trong Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15-9-2023 của UBND thành phố Hà Nội về “Tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội”.

Chúng ta đều biết, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là nguyên tắc không thể thiếu trong công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật; có ý nghĩa tương tự như “thượng tôn pháp luật”. Chỉ khi thực hiện đúng nguyên tắc này mới có thể bảo đảm việc kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai thực hiện một cách quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Và chỉ có như thế, việc kiểm tra lần này mới thực sự có ý nghĩa, mới không bỏ sót, để lọt những trường hợp, những nguy cơ, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động qua đó bảo vệ sự an toàn của người dân; bảo vệ an toàn tới từng nhà dân, từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, từng thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn như số Chỉ thị số 25-CT/TU đã nêu rõ.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” cũng chính là yêu cầu được nói tới nhiều nhất trong những chỉ đạo của Trung ương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Việc nguyên tắc này được đưa vào Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 234/KH-UBND của UBND thành phố cho thấy thái độ quyết liệt và ý chí quyết tâm của thành phố Hà Nội nhằm ngăn chặn những vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng như vụ cháy tại chung cư mini phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vừa qua.

Để thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TU và đợt tổng kiểm tra theo Kế hoạch số 234/KH-UBND đạt hiệu quả cao, tạo ra chuyển biến về chất ở từng địa bàn dân cư, từng quận, huyện, thị xã cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Người dân phải được coi là trung tâm, là chủ thể; từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị phải đặt an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; xác định rõ quan điểm nhất quán an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, phải cụ thể hóa được yêu cầu coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với việc chấp hành pháp luật của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân và công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Mấu chốt vấn đề là tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm, lương tâm và bổn phận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.