(HNM) - Ước muốn về một Hà Nội xanh - sạch - đẹp có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân Thủ đô. Điều cần thiết nhất lúc này là từ bỏ cách làm hình thức theo kiểu phong trào, thay vào đó là những hành động thiết thực, nói đi đôi với làm. Vì Hà Nội xanh - sạch - đẹp là trách nhiệm không của riêng ai.
Phong trào tổng vệ sinh vào thứ bảy hằng tuần có sức lan tỏa lớn trong các hoạt động vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Nhật Nam |
Không thiếu sáng kiến, sáng tạo
Đúng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nhận xét, thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", các địa phương, cơ quan, đơn vị có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo. Hơn hai năm qua cho thấy những kết quả đạt được của các cấp, ngành không phải là nhỏ. Hàng chục mô hình, cách làm hay được biểu dương; đã góp phần giữ cho Hà Nội xanh và sạch.
Phong trào có sức lan tỏa nhất có lẽ là tổng vệ sinh vào thứ bảy hằng tuần. Như tại quận Cầu Giấy, ở mỗi tổ dân phố, người dân tự phân công nhau luân phiên quét dọn những diện tích chung vào ngày cuối tuần. Nơi nào làm kém bị nhắc nhở trên loa phường vào cuối ngày. Ở xã Đại Đồng (Thạch Thất), mỗi hộ gia đình được trang bị 2 thùng phân loại rác (hữu cơ, vô cơ). Phường Nhật Tân (Tây Hồ) có mô hình "Tổ dân phố không rác". Huyện ủy Đan Phượng từng ban hành chương trình "xây dựng thôn làng, khu phố văn hóa xanh - sạch - đẹp" trên địa bàn toàn huyện giai đoạn 2011-2015, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy mà Đan Phượng, cùng với Long Biên từng được xếp hạng nhất trong cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp" do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức.
Bước vào năm thứ ba thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", ở cơ sở tiếp tục có thêm những sáng kiến, sáng tạo. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, quận Tây Hồ huy động đoàn viên, thanh niên trông xe miễn phí ở Phủ Tây Hồ, dẹp được tình trạng "chặt chém", tự ý nâng phí gửi xe. Quận Long Biên triển khai đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thực hiện quản lý trật tự đô thị trên địa bàn giai đoạn 2016-2020"; tổ chức cho 17.257 hộ kinh doanh mặt phố cam kết tự giác chấp hành các quy định về trật tự đô thị.
Khắc phục "bệnh" phong trào
Nhìn vào các mô hình, phong trào vì Hà Nội xanh - sạch - đẹp đa dạng, phong phú nói trên chúng ta thấy được quyết tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tuy nhiên, có mô hình hay chỉ dừng lại ở một hoặc vài phường, xã hoặc nhiều là một, vài quận, huyện. Có những sáng kiến chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian rồi dừng lại. Lo ngại của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải về tính phong trào, "hiệu quả công việc cao chỉ duy trì được một thời gian lại xuống" là hoàn toàn có cơ sở.
Hà Nội từng làm rất tốt việc chống tệ đổ rác ra đường, nhưng đến nay không còn duy trì được. Ngay cả những nơi bố trí lực lượng thu rác hằng giờ như Hoàn Kiếm cũng không ngăn được hết tình trạng vô tư xả rác bất kỳ thời điểm nào trong ngày như hiện nay. Tình trạng chỉ dừng lại ở mức ký cam kết với hộ gia đình, hộ kinh doanh mà chưa duy trì thường xuyên việc thực hiện cam kết, thiếu chế tài hoặc chậm xử lý khi vi phạm cam kết… đang khá phổ biến. "Bệnh phong trào", "đầu voi, đuôi chuột" là thách thức đối với việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2016".
Điều đáng mừng là hầu hết cấp ủy, chính quyền đều xác định việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu và nhiệm vụ trong công tác quản lý và xây dựng đô thị là tạo sự chuyển biến mạnh, bền vững về quản lý và xây dựng đô thị. Trong đó, có 6 trọng tâm với lộ trình thực hiện cụ thể như: Triển khai thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết 1/500 các tuyến chính, khu vực trọng điểm; duy trì tốt 32 tuyến phố chính, tuyến phố văn minh đô thị và 5 khu vực trọng điểm; quản lý và sắp xếp giao thông tĩnh, đầu tư xây dựng các điểm giao thông tĩnh ngầm và trên cao; tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng văn minh, chất lượng cao, cụ thể là hoàn thành hạ ngầm đường dây đi nổi (hiện nay còn 35/78 tuyến phố)…
Quyết tâm đổi mới còn thể hiện trong tâm thức của nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải và tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thi đua cùng với những quận như Long Biên, Hoàn Kiếm xây dựng quận trở thành "đô thị đáng sống". "Tôi vẫn nói với các ủy viên Ban Thường vụ, thay vì ngồi chờ báo cáo, phải chủ động xuống cơ sở, nắm bắt tình hình, xem có tồn tại, khúc mắc cần giải quyết thì cùng với lãnh đạo cơ sở xem xét, giải quyết dứt điểm, hiệu quả. Sâu sát cơ sở, hướng về cơ sở là như vậy. Đó chính là đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm" - Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm nói.
Hiệu quả công việc là thước đo năng lực cán bộ, là cơ sở để đánh giá cán bộ. Những cách làm hời hợt, qua loa, nặng tính hình thức không còn phù hợp. Dù vậy, không có thước đo nào, chế tài nào có thể thay thế được sự tự giác, ý thức trách nhiệm, nhất là cái tâm của người cán bộ khi thực hiện những công việc khó khăn vì Hà Nội xanh - sạch - đẹp. Đó cũng là tâm tư, là mong muốn được chia sẻ của lãnh đạo thành phố. Chỉ đạo về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2016", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: "Công tác này có thành công hay không phụ thuộc vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, thị; ai cũng phải coi đó là việc của mình".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.