Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm không của riêng ai

Bài, ảnh: Minh Thúy| 22/02/2012 06:59

(HNM) - Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia… đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS), song trên thực tế công việc này không đơn giản…

Công trình xây tường rào bị cán bộ xã Hải Bối tạm đình chỉ.

Theo ngành đường sắt, năm 2011 có tới 72% số vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ và phần lớn số vụ tai nạn tập trung tại đường ngang dân sinh bất hợp pháp... Vấn đề bức xúc hiện nay là giữa đường sắt và đường bộ có quá nhiều điểm giao cắt đồng mức, trong khi đó vấn đề quy hoạch, xác định hành lang bảo vệ ATGTĐS tại các địa phương chưa đặt ra một cách đầy đủ, toàn diện, dẫn đến tình trạng người dân tự tiện mở đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt một cách vô tội vạ. Bình quân cứ 400m đường sắt lại có một đường ngang, đặc biệt trên tuyến đường sắt Bắc Nam, đoạn qua các huyện: Thường Tín, Thanh Trì chỉ chưa đầy 100m đã có 1 đường ngang… Việc tạo lập một hành lang an toàn cho đường sắt và xử lý đường ngang dân sinh bất hợp pháp đã được đặt ra từ nhiều năm trước và đến nay vẫn mang tính thời sự. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1856/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, trong đó vạch rõ kế hoạch cho từng giai đoạn với những việc thiết yếu, cần làm ngay như cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang ATGTĐS, cắm mốc giới hạn hành lang ATGTĐS, xây dựng tường rào, hàng rào bảo vệ công trình… Tuy nhiên, công việc này đến nay vẫn dang dở.

Là đơn vị quản lý 38km đường sắt tuyến vành đai trên địa bàn TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Thái (Công ty Hà Thái) đã thực hiện giải tỏa hành lang ATGTĐS từ năm 2010, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Cầu Thăng Long dành riêng đường sắt do Công ty Hà Thái quản lý đi qua địa bàn các xã: Hải Bối (Đông Anh), Đông Ngạc, Xuân Đỉnh (Từ Liêm) có chiều dài 1.733m, nhưng hành lang ATGTĐS bị lấn chiếm tới hơn 1.000m. Năm 2011, Công ty Hà Thái đã phối hợp với chính quyền địa phương xác định mốc giới và giải tỏa được 400m hành lang ATGTĐS. Thế nhưng, trong khi đang xây dựng hàng rào để chống tái lấn chiếm, thì tháng 12-2011, cán bộ xã Hải Bối đã lập biên bản, yêu cầu công ty ngừng thi công. Đáng lưu ý, biên bản vi phạm hành chính về đất đai, trật tự xây dựng không được UBND xã Hải Bối đóng dấu và cũng không chỉ rõ công trình đã sai phạm gì, mặc dù công ty làm đúng giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền?. Đầu tháng 2-2012, công ty đã có văn bản gửi UBND huyện Đông Anh, đề nghị cho biết lý do tạm dừng xây dựng công trình, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm? Trong khi đó, cũng tại địa bàn xã Hải Bối vẫn còn hơn 600m hành lang tiếp tục phải giải tỏa vi phạm, vì toàn bộ gầm cầu Thăng Long, từ trụ B33 đến trụ B53 đã bị một số người chiếm dụng làm hàng quán, lều lán, bãi trông xe. Còn tại xã Đông Ngạc, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn, do một số hộ dân không hợp tác khi cán bộ của công ty và UBND xã đến đo mốc giới. Ngoài ra, một số khu vực có đường sắt chạy qua còn bị biến thành nơi họp chợ và chính quyền địa phương coi đây là một nguồn thu như ở xã Cổ Nhuế (Từ Liêm), nên rất khó "nhổ rễ" vi phạm. Đó là chưa kể ở một số nơi, chính quyền địa phương còn giao đất ở cho người dân trong phạm vi hành lang ATGTĐS?. Ngoài ra, tuyến đường sắt trên địa bàn Hà Nội do Công ty Hà Thái quản lý hiện có tới 119 đường ngang dân sinh mở trái phép cần phá bỏ và hàng loạt điểm giao cắt khác phải phát quang để mở rộng tầm nhìn. Một cán bộ Trạm chắn đường ngang Bắc Hồng - Đông Anh cho biết: "Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, việc giải tỏa các công trình vi phạm hành lang và phát quang sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Đã có nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành bị người dân đuổi, đánh khi họ giải tỏa công trình, cây cối trong phạm vi hành lang ATGTĐS.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Hà Thái chia sẻ: Công ty đặc biệt coi trọng công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xác định mốc giới và xử lý các công trình vi phạm hành lang ATGTĐS. Đầu tháng 2-2012, Công ty đã rà soát xong hệ thống đường ngang dân sinh trái phép trên toàn tuyến và đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc phá bỏ, cử người trực cảnh giới ở những đường ngang dân sinh trái phép. Công ty cũng đã kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho cắm biển hạn chế tốc độ và làm gờ giảm tốc ở một số điểm đường sắt giao cắt với đường bộ, song cũng chưa nhận được hồi âm… Được biết, Nghị quyết 88 ngày 24-8-2011 của Chính phủ quy định rõ: Cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép. Trong thời gian chờ xóa bỏ, UBND các tỉnh, thành phố phải bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Luật Đường sắt quy định rõ, việc lấn chiếm hành lang giao thông, tự ý mở đường ngang qua đường sắt là hành vi bị cấm và UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, quản lý quỹ đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch… Điều đó cho thấy, việc bảo đảm hành lang ATGTĐS không chỉ là trách nhiệm của ngành đường sắt, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để cán bộ ở các địa phương nơi có đường sắt đi qua nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử lý các công trình vi phạm, nhằm hoàn thiện hệ thống hành lang ATGTĐS, bảo đảm an toàn chung cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm không của riêng ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.