(HNM) - Tròn 10 ngày kể từ khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức và Sở VH,TT&DL, những bất cập tại lễ hội chùa Hương đã và đang được nhanh chóng chấn chỉnh. Công tác quản lý được tăng cường. Hiện tượng đeo bám khách, "cò" vé cáp treo… đặc biệt là việc treo bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, mất mỹ quan, gây phản cảm cơ bản được chấm dứt.
Tuy nhiên, để thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực di tích, bảo đảm cho một lễ hội đặc trưng của Thủ đô - lễ hội lớn nhất của cả nước diễn ra thật ý nghĩa thì rất cần trách nhiệm của chính quyền và thiện tâm của mỗi du khách khi hành hương về đất Phật.
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương về những nội dung này.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng BTC lễ hội chùa Hương. |
CÔNG TÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC ĐẶC BIỆT COI TRỌNG
- Lễ hội chùa Hương là một lễ hội đặc biệt, dài nhất trong năm, thu hút lượng khách lớn so với các lễ hội khác của cả nước. Đáng nói, du khách trong và ngoài nước nô nức về đây không đơn thuần thưởng lãm phong cảnh non nước hữu tình của "Nam thiên đệ nhất động" mà còn thực hiện tín ngưỡng tôn giáo. Điều đó đòi hỏi công tác tổ chức cần đặc biệt coi trọng, ông có nghĩ như vậy?
- Đối với bất cứ lễ hội nào, công tác tổ chức luôn là khâu then chốt, không chỉ quyết định sự thành công về mặt duy trì, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua lễ hội mà còn là hình ảnh, ấn tượng tốt để lại trong lòng du khách trong và ngoài nước. Với lễ hội chùa Hương, do thời gian diễn ra dài (3 tháng), quy mô lớn, công tác tổ chức lại càng quan trọng. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương và đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban từ rất sớm. UBND huyện cũng đã thành lập BTC lễ hội, xây dựng kế hoạch tổng thể về tổ chức, quản lý, phục vụ lễ hội từ cuối năm ngoái. Cùng với việc thành lập 6 tiểu ban, BTC đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng tiểu ban, từng thành viên BTC, ban hành các quy định nhằm bảo đảm lễ hội được tổ chức tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ngoài lực lượng của địa phương, thành phố đã tăng cường lực lượng cho huyện để phục vụ lễ hội, tổng cộng có hơn 600 cán bộ tham gia phục vụ lễ hội. Bắt đầu từ mùng 2 Tết, toàn bộ lực lượng đã triển khai tại các vị trí được phân công để làm nhiệm vụ.
- Như vậy, lực lượng tổ chức, bảo vệ, quản lý lễ hội không hề mỏng, quan trọng là khâu điều hành, thực thi nhiệm vụ. Vậy, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của từng bộ phận?
- Tôi đã trực tiếp tham gia BTC lễ hội được 16 năm. Quan điểm xuyên suốt trong công tác chỉ đạo của BCĐ, BTC là việc quản lý, tổ chức lễ hội năm sau phải tốt hơn năm trước. Tinh thần đó cũng được quán triệt tới từng thành viên. Trong công tác tổ chức, quản lý, chúng tôi chú trọng tới giao thông đường thủy, đường bộ, đặt đủ biển báo, chỉ dẫn cho du khách. Từ ngày khai hội đến nay chưa xảy ra tình trạng ách tắc. ANTT được bảo đảm nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an huyện và thành phố, không xảy ra các vụ cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, trộm cắp, móc túi, cờ bạc... Tiểu ban Văn hóa - Xã hội đã kiểm tra việc kinh doanh văn hóa phẩm, thu giữ nhiều băng đĩa không tem nhãn, sách không được phép lưu hành cùng 500 khẩu súng bắn đạn nhựa. BTC cũng đã trục xuất 4 đối tượng hành nghề mê tín dị đoan; đưa 4 trường hợp ăn xin đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố. Về công tác môi trường, rác thải hằng ngày được thu gom, xử lý triệt để; riêng trên suối Yến có 4 thuyền đảm nhận nhiệm vụ vớt rác. Chúng tôi có lò đốt rác công suất 20 tấn/ngày, hoạt động liên tục; hệ thống tiêu thoát nước hoạt động tốt; khu vực vệ sinh phục vụ du khách được đầu tư nhiều hơn những năm trước. Công tác vận chuyển khách được chú trọng. Với 4.500 phương tiện vận chuyển khách vào ra, trả khách đúng bến, neo đậu gọn gàng. Hầu hết các đò đều bố trí thùng, túi đựng rác nhằm bảo vệ môi trường. Để thuận lợi cho du khách và trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc của du khách, tôi đã công khai số điện thoại của trưởng BTC (0912588905) tại nơi dễ nhìn, dễ thấy. Từ ngày khai hội đến nay, tôi nhận nhiều cuộc gọi hỏi về giá vé thắng cảnh, lịch trình tham quan sao cho thuận lợi, chứ chưa hề có cuộc gọi nào của du khách phàn nàn về việc bị bắt chẹt vé đò hay xuất hiện dịch vụ "chặt chém".
NHỮNG BẤT CẬP CẦN CHẤN CHỈNH
- Như ông nói, BTC đã có nhiều cố gắng để phục vụ lễ hội. Tuy nhiên, theo dư luận phản ánh vẫn còn để xảy ra tình trạng lộn xộn trong những ngày đầu mùa lễ hội. Bằng chứng là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nghiêm túc phê bình, yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức tăng cường công tác quản lý?
- Chúng tôi thừa nhận cũng còn một số việc bất cập không mong muốn xảy ra tại lễ hội. Với lượng du khách đông, có ngày lên tới 5 vạn người, trong khi không phải du khách nào cũng chấp hành nghiêm quy định của BTC và có ý thức tại nơi công cộng, nên tình trạng lộn xộn sẽ khó tránh khỏi. Đơn cử như khi du khách đến đền Trình thờ Đức Đại Vương. Theo truyền thống từ xưa đến nay, nhân dân thường dâng trứng sống, gạo, muối để thờ. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh phản cảm, chúng tôi đã bố trí hai thùng to ghi rõ "thùng tiết kiệm gạo", "thùng tiết kiệm muối". Có du khách nghiêm chỉnh chấp hành, khi lễ xong thì bỏ gạo, muối vào những thùng này nhưng cũng không ít người "bỏ ngoài tai" lời nhắc nhở của BTC "vô tư" văng muối, gạo bừa bãi quanh đền, làm ảnh hưởng tới cảnh quan…
- Những yêu cầu cụ thể của Chủ tịch UBND thành phố như sắp xếp lại các hàng quán; trong khu vực I của di tích chùa Hương không kinh doanh dịch vụ ăn uống; chấm dứt tình trạng treo bán động vật không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm; xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt khách du lịch, ăn xin, bói toán, cờ bạc... đến nay đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Du khách có mặt tại chùa Hương những ngày này sẽ có đánh giá khách quan nhất. Điều tôi khẳng định là BTC đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Sau khi có thông tin "cò" vé cáp treo, "cò" đưa khách, BTC đã yêu cầu tiểu ban ANTT rà soát, xử lý nghiêm. Đến nay, lực lượng công an huyện đã bắt 5 đối tượng "cò" vé, thu hồi 1.107 vé và 152 triệu đồng. Số đối tượng này đang chờ xử lý. Về an toàn thực phẩm, Đoàn công tác liên ngành của thành phố và Trung tâm Y tế của huyện đã thường xuyên kiểm tra. Còn về việc bày bán động vật tươi sống thì ngay trong Luật Quảng cáo hiện nay cũng chưa quy định rõ việc "treo" thực phẩm là vi phạm. Mùa lễ hội năm trước, BTC đã vận động 43 hộ kinh doanh (đạt 100%) mua tủ bảo quản thực phẩm. Năm nay, BTC đã vận động và đi từng hộ dán giấy kín 3 mặt tủ bảo quản bằng giấy mờ và yêu cầu các hộ để gọn gàng, tuyệt đối không được treo động vật tươi sống ra ngoài. Với du khách cũng cần lưu ý những khuyến cáo của BTC, chớ nên hỏi nhà hàng "có bán thịt thú rừng không", nếu gặp chủ hàng ham lợi rất có thể khách sẽ mất tiền thật để mua thịt thú giả. Tôi cam đoan, ở chùa Hương không bán động vật hoang dã...
- Thế còn việc đổi tiền lẻ, ăn chênh lệch?
- Về việc này, Ngân hàng Nhà nước và Bộ VH,TT&DL chưa có chế tài xử lý mà chỉ đề cập đến công tác tuyên truyền. Chúng tôi thừa nhận, đầu mùa lễ hội có người đổi tiền lẻ trong đền Trình và ở khu vực bến xe ô tô do công tác tuyên truyền chưa triệt để. Sau khi Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chấm dứt tình trạng này, ngay chiều 14-2, BTC đã có thông báo yêu cầu người dân không được đổi tiền lẻ; lái đò không được dùng xe mô tô đi đón, chèo kéo khách; các đò phải có giỏ đựng rác... Chúng tôi dành một ngày để lực lượng chức năng đi tuyên truyền, ngày hôm sau hộ nào vi phạm chúng tôi xử lý. Tình trạng cò mồi đón khách từ xa cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để là khó vì các đối tượng thường đi rất xa để đón khách, có khi ra tận cầu Thăng Long, Phủ Lý… Tình trạng đổi tiền lẻ cũng vậy, đã được khắc phục cơ bản. Nhìn chung, tôi thấy bà con nhân dân, các hộ kinh doanh đã nghiêm túc chấp hành những chỉ đạo của thành phố dù việc kinh doanh, buôn bán sẽ gặp khó khăn, vấn đề tạo việc làm cho người dân địa phương cũng có những ảnh hưởng nhất định.
KHÔNG THƯƠNG MẠI HÓA LỄ HỘI
- Chúng ta đã nói về những bất cập, tồn tại và cả các biện pháp để khắc phục, nhưng có một vấn đề chưa được đề cập đến, đó là tình trạng thương mại hóa lễ hội đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi đã từng đi nhiều nơi, có nơi tôi đến phải gửi xe khá xa, cách danh thắng 3 - 4km, muốn đến đó nhanh phải mất thêm tiền cho khâu dịch vụ mà BTC bố trí. Với lễ hội chùa Hương, số du khách năm sau luôn tăng 5-7% so với năm trước. Ngay trong mùa lễ hội năm nay, gần 20 ngày sau khai hội, số du khách đến tham quan vãng cảnh chùa lên tới gần 600.000 người, tăng 45.000 so với cùng kỳ năm 2013. Điều đó chứng tỏ, du khách luôn yêu mến và dành cho chùa Hương tình cảm đặc biệt. Chắc hẳn, trong hàng triệu, hàng triệu du khách, có nhiều người không chỉ một lần đến chùa Hương. Đó là niềm tự hào, mang lại động lực cho cán bộ, nhân dân huyện Mỹ Đức nỗ lực hơn nữa để tổ chức thật tốt lễ hội chùa Hương. Quan điểm của BQL, BTC là tuyệt đối không được thương mại hóa lễ hội, điều quan trọng là cần làm tốt công tác quản lý nhà nước để ngày càng có nhiều du khách được biết đến "Nam thiên đệ nhất động". Từ chủ trương đó, chúng tôi đã và đang cố gắng sử dụng hiệu quả nguồn thu từ vé thắng cảnh (thành phố cho phép cân đối tại huyện) đầu tư hoàn thiện các hạng mục của khu di tích. Chỉ riêng trong năm 2013 đến nay, huyện đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng cổng đá, nhà soát vé và hệ thống giao thông trong khu di tích, cải thiện hệ thống xử lý nước của suối Yến… Chúng tôi đang cố gắng để chùa Hương ngày càng đẹp hơn, sạch hơn, ngăn nắp hơn. Chỉ có điều, những cố gắng đó dường như chưa được dư luận ghi nhận.
- Phải chăng mong mỏi của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung là lễ hội chùa Hương ngày càng hấp dẫn du khách nên yêu cầu đặt ra đối với BQL, BTC và huyện Mỹ Đức ngày càng lớn?
- Chúng tôi luôn ý thức được điều đó. Vì vậy, từ nay đến khi kết thúc lễ hội, BTC tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, bảo đảm tuyệt đối an toàn về ANTT, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, không để dịch bệnh, ngộ độc xảy ra. Cùng với sự cố gắng của chính quyền, các lực lượng chức năng địa phương, chúng tôi rất mong đón nhận được sự thiện tâm của du khách, cùng cộng đồng trách nhiệm để chúng ta có một mùa lễ hội thành công bằng việc tuân thủ nghiêm các quy định của BTC, tham gia vào công tác bảo đảm ANTT, bảo quản hành lý, lên xuống đò an toàn, không bỏ rác bừa bãi, không mua các loại hàng cấm, sách, băng đĩa ngoài luồng, không bói toán, mê tín... Như vậy là du khách đã góp phần cùng chúng tôi tổ chức một mùa lễ hội văn minh, ý nghĩa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.