Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Thành Tâm| 23/10/2015 05:50

(HNM) - Gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà chung cư cao tầng gây thiệt hại lớn về tài sản, gây hoang mang, lo sợ cho người dân...



Những băn khoăn đó được giải đáp phần nào thông qua tọa đàm "Phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng ở Hà Nội", do Báo Hànộimới phối hợp với Cảnh sát PC&CC thành phố tổ chức chiều 22-10. Cùng tham gia còn có một số sở, ngành, đơn vị.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Viết Thành


Sẽ công khai công trình không bảo đảm an toàn về PCCC

Sự lo lắng của người dân đối với công tác PCCC tại các chung cư cao tầng được thể hiện qua nhiều câu hỏi gửi tới tọa đàm. Với cơ quan Cảnh sát PC&CC, nhiều độc giả gửi câu hỏi, bày tỏ băn khoăn như: Vì sao nhiều công trình chưa được nghiệm thu về PCCC vẫn hoạt động? Cơ quan PCCC có định công khai danh sách các chung cư không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy hay không? Quy định nào về tổ chức diễn tập, tập huấn xử lý cháy và thoát hiểm?... Nhiều bạn đọc cũng lo lắng về các tiêu chuẩn an toàn của lối thoát hiểm, cửa ban công, hệ thống báo cháy, phương tiện chữa cháy, cứu hộ...

Trả lời thẳng thắn từng câu hỏi, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố khẳng định, việc các công trình chưa được thẩm định, nghiệm thu đã được đưa vào sử dụng là trái quy định của Luật PCCC. Tuy nhiên, việc xử lý, trong đó đặc biệt là việc đình chỉ và cưỡng chế đình chỉ hoạt động của các công trình cao tầng, chung cư còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan chức năng. Khắc phục những bất cập đó, hiện Cảnh sát PC&CC thành phố đang tiếp tục kiểm tra, phúc tra các công trình nhà cao tầng, trong đó đặc biệt là chung cư. Từ đó sẽ công khai thông tin các cơ sở, công trình không bảo đảm an toàn về PCCC; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý các vi phạm về PCCC.

Về vấn đề kỹ thuật trong PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến quy hoạch mật độ chung cư, giao thông phục vụ PCCC, yêu cầu thiết kế công trình bảo đảm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ... Dưới góc độ này, Phó Giám đốc Sở QH-KT Ngô Quý Tuấn cho biết, Sở QH-KT đã chủ động tham mưu cho thành phố về các nội dung liên quan đến quy hoạch chuyên ngành về PCCC, lập quy hoạch chuyên ngành về PCCC. Công tác quy hoạch được tính đến mọi yếu tố PCCC như: Bố trí các trụ sở PCCC ở quận, huyện, phường, khu công nghiệp bảo đảm cự ly, phù hợp với mạng lưới giao thông; quy hoạch giao thông, cấp nước phục vụ PCCC. Đối với từng công trình nhà cao tầng, chung cư, với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, trong mối quan hệ với các chủ đầu tư, Sở QH-KT luôn yêu cầu cao đối với an toàn PCCC công trình...

Phải thường trực ý thức phòng cháy, chữa cháy

Trả lời các ý kiến của độc giả, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với công trình nhà cao tầng, chung cư, thông qua tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, người dân còn thiếu nhận thức, hiểu biết và kỹ năng PCCC. Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo: Điều đầu tiên khi tiếp cận để mua và sở hữu căn hộ chung cư, người dân cần quan tâm, tìm hiểu kỹ việc công trình đã được nghiệm thu về PCCC hay chưa. Khi sở hữu căn hộ, cư dân cũng cần hiểu rõ kiến trúc tòa nhà, nhất là các cấu trúc liên quan đến PCCC như vị trí cầu thang thoát nạn, bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm...

Cùng quan điểm đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Vì quyền lợi của chính bản thân và gia đình, khi nhận nhà, người dân cần quan tâm tới vấn đề PCCC, yêu cầu chủ đầu tư xuất trình chứng nhận quá trình xây dựng bảo đảm quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn PCCC, chú trọng đến bảo hiểm cháy nổ theo quy định của pháp luật. Người dân cần yêu cầu các ban quản lý tòa nhà báo cáo chi tiết, trực tiếp tự kiểm tra bằng mắt, thử tận tay các thiết bị cảnh báo, chữa cháy, thoát hiểm... Không chỉ vậy, trong quá trình sử dụng công trình, ý thức về PCCC phải luôn được thường trực.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, bên cạnh trách nhiệm kiểm tra định kỳ của cơ quan PCCC, người dân cần đề cao vai trò giám sát, có ý kiến, yêu cầu cụ thể với các ban quản lý chung cư, nhà cao tầng để các ban quản lý tự kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị PCCC, có phương án diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sát thực. Về kỹ năng PCCC, thoát nạn khi xảy cháy, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, song từ băn khoăn của độc giả, có thể nhận thấy đa phần người dân chưa đủ hiểu biết về lĩnh vực này. Với những trường hợp cháy nổ cụ thể, người dân chưa được trang bị thông tin, kiến thức để chủ động cứu chữa, thoát nạn...

Điều đáng ghi nhận tại buổi tọa đàm là nhiều chủ đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà cao tầng đã thể hiện trách nhiệm cao với sản phẩm của mình. Giải đáp băn khoăn của độc giả, các chủ đầu tư khẳng định cam kết về chất lượng công trình, trong đó yêu cầu bảo đảm PCCC, thoát nạn, thoát hiểm được ưu tiên hàng đầu...

An toàn PCCC đối với các công trình nhà cao tầng nói chung và chung cư cao tầng nói riêng là một yêu cầu hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kiến trúc cao tầng đang phát triển mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu trong quá trình đô thị hóa. Trong bối cảnh đó, buổi tọa đàm đã làm sáng rõ nhiều vấn đề về công tác PCCC trong giai đoạn xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, khẳng định sự cấp bách của công tác bảo đảm an toàn PCCC, bảo đảm tính mạng, tài sản người dân. Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng chỉ ra những bất cập, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện pháp luật về PCCC để đi đến thống nhất về mặt nhận thức là công tác PCCC nói chung, PCCC nhà cao tầng, chung cư nói riêng phải nhận được sự quan tâm, vào cuộc và hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, ban quản lý công trình và mỗi người dân...

Khuyến cáo của Cảnh sát PC&CC:

1. Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên phải báo động cháy bằng cách hô hoán hoặc ấn nút báo cháy, sau đó khẩn trương sử dụng các phương tiện chữa cháy để dập lửa và gọi cho cứu hỏa theo số điện thoại: 114.

2. Sử dụng các phương tiện sẵn có để dập tắt đám cháy. Nếu không chữa cháy được cần tìm lối thoát nạn nhanh nhất có thể.

3. Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn "EXIT - LỐI RA" hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không dùng thang máy.

4. Trên đường đi, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.
5. Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.

6. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần, sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. Nên dùng khăn ướt bịt miệng mũi.

7. Nếu phải mở cửa:

- Hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở.

- Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa.

- Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

- Nếu khói lùa, dùng vải, giẻ ướt nhét vào khe cửa; hoặc dùng băng dính dán chặt.

- Sau đó tìm lối thoát sang các phòng khác.

8. Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ban công, cửa sổ vì ở đó thường hay lắp ống thoát hiểm, ròng rọc cá nhân hay xe thang của lực lượng PCCC chĩa vào để cứu người. Từ đây hãy gọi to; dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho lực lượng PCCC biết.

9. Trong khi chờ lực lượng PCCC hãy dùng các phương tiện có sẵn như: Kìm cắt cửa, dây đai thoát nạn, ống thoát hiểm... để thoát ra.

10. Nếu ở tầng thấp (từ tầng 6 trở xuống) và có nệm hơi cứu hộ ở dưới thì có thể ra hiệu cho bên dưới chuẩn bị và nhảy xuống. 
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của cả cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.