(HNMO) - Theo một số chuyên gia, TPP sẽ tạo áp lực tích cực để Việt Nam đổi mới nhanh chóng, trở thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn.
Sau 5 năm đàm phán tích cực, 12 quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đánh giá về kết quả này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, đây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau. Một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.
Nghiên cứu của khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC cho thấy, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này.
“Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Ngành dệt may được cho là được hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập TPP (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, TPP mở cho Việt Nam cơ hội hội nhập rất sâu rộng, không chỉ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu từ Việt Nam hay vào Việt Nam mà sẽ ảnh hưởng đến cơ chế, thể chế của Việt Nam, bởi trong 12 thành viên của TPP, chỉ 1 thành viên có nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là Việt Nam. TPP rất có lợi cho Việt Nam vì Việt Nam có thể mở rộng thị trường qua TPP, đặc biệt khi mà nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu.
Điểm đáng chú ý là quy định của TPP đối với vai trò của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Hiện ở Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, trong khi đó TPP hạn chế vai trò của doanh nghiệp có vốn Nhà nước vì TPP dựa vào nền kinh tế thị trường tự do. Với quy định này, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần chủ động thay đổi về tư duy quản lý nhà nước, về doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những chuẩn mực toàn cầu.
Một số chuyên gia khác nhận định, tham gia TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi các lĩnh vực kinh tế quan trọng được ký kết như: dịch vụ, đầu tư; viễn thông và thương mại điện tử, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, quyền sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, Hiệp định TPP được ký kết không chỉ mở ra cơ hội về thương mại hay đầu tư mà còn ở nhiều khía cạnh khác, tạo cơ hội để trao đổi kiến thức khoa học, hải quan...
Tuy nhiên, ở Hiệp định này, về cơ bản các nước tham gia TPP sẽ được hưởng những lợi ích lớn về thuế quan, các bên được bình đẳng với nhau trong TPP. TPP không có quy chế đặc biệt cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
Khi hiệp định TPP được thực thị, nhiều thị trường mới mở ra đối với Việt Nam, Việt Nam bán được nhiều hàng hóa sang 11 quốc gia khác, cạnh tranh với các quốc gia này và sẽ tăng cường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi mà hàng rào về hải quan, thuế quan sẽ được bãi bỏ theo lộ trình. Nhưng, ngược lại, sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn. Đây được coi là thách thức không nhỏ khi Việt Nam gia nhập TPP. Mặc dù Việt Nam có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng một số ngành nghề thuộc lĩnh vực này như chăn nuôi có sức cạnh tranh kém, và đây được coi là ngành gặp khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.
Nói cách khác, nếu không cạnh tranh được, hàng hóa của Việt Nam sẽ “thua ngay trên sân nhà”. Minh chứng rõ ràng cho điều này là dù thời gian qua đàm phán TPP chưa được hoàn tất nhưng mặt hàng đùi gà trong nước đã phải cạnh tranh gắt gay với đùi gà nhập khẩu của Mỹ khi mà đùi gà của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có giá 20.000-25.000 đồng nhưng đùi gà nội đắt hơn nhiều, rồi nghịch lý “một con gà phải cõng tới 14 loại phí” đã cho thấy sự hạn chế về chính sách của chúng ta.
Vì vậy, khi tham gia TPP chúng ta cần phải đổi mới toàn diện, từ cơ chế, chính sách. Đặc biệt, chúng ta không thể làm kinh tế manh mún, theo hộ gia đình mà phải sản xuất theo quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đảm an toàn, vệ sinh.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đến thời điểm này, dường như nhiều doanh nghiệp vẫn thụ động, chưa tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin để chuẩn bị đối phó với những thách thức khi cam kết TPP có hiệu lực. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngay từ lúc này, các doanh nghiệp trong nước cần đổi cách thức sản xuất theo hướng quy mô lớn hơn, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng hơn, giá cạnh tranh hơn để chủ đống đối phó với sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cùng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước tham gia TPP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.