Ngày 15-7, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 17 với nhiều vấn đề quan trọng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự kỳ họp.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: Kỳ họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời, tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục...
Đáng chú ý, HĐND cũng nghe báo cáo Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh theo Kết luận 49-KL/TƯ của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Ngọc Hải cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (GRDP) ước tăng 6,46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, như thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ (giảm 19,5%). Công tác phối hợp, đôn đốc giữa các chủ đầu tư với UBND các quận, huyện trong bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa đáp ứng tiến độ...
Về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố phấn đấu phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, hình thành phương thức vận tải công cộng văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đạt từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa tính lãi vay khi xây dựng) từ nay đến năm 2035 khoảng 837.250 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD), không gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Vốn đầu tư công là chủ đạo, phát huy nguồn lực nhà thầu trong nước. Do đó, đề án xin cơ chế cho nhà thầu tham gia vào khâu thiết kế thi công, lựa chọn công nghệ phù hợp.
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 183km đường sắt đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Nổi bật là quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.
Trong đó, thành phố đề xuất được thành lập Tổng công ty Đường sắt đô thị do thành phố nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của Tổng công ty... Dự kiến trong tháng 7, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ về đề án, trình Bộ Chính trị xin ý kiến trong quý III-2024 và dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những mặt mà các cấp, các ngành của thành phố đã làm được trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chưa đạt, có những chỉ tiêu suy giảm, nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ đến nơi đến chốn. Cần nhìn thấu được điểm yếu, chỉ ra nguyên nhân nào là khách quan, chủ quan, do tập thể hay cá nhân để củng cố, chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý trong thời gian tới.
Đồng chí nhấn mạnh, thành phố phải tận dụng thời gian để sớm thí điểm phân cấp, quản lý... để sớm đưa những nội dung quan trọng này vào thực tế, góp phần để người dân được chăm lo tốt hơn, cùng thành phố phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.