Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Bước đầu cụ thể hóa cơ chế đặc thù

Nguyễn Lê 30/08/2023 - 17:31

Chiều 30-8, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, tám tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9-2023.

anh-30-8.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu kết luận cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8-2023 ước đạt 102.507 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng trước, tăng 10% so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 764.461 tỷ đồng, tăng 7,6 so với cùng kỳ.

Về xuất khẩu, tháng 8-2023 ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ. Về tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 297.993 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán năm và bằng 93,2% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) thành phố tháng 8 năm 2023 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 2,8% so với cùng kỳ...

Về thành lập doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 20-7-2023, thành phố đã cấp phép 32.523 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 303.990 tỷ đồng, tăng 11,3% về giấy phép và giảm 12,4% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 24.093 doanh nghiệp thành lập, tăng 12,6% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 206.799,4 tỷ đồng, giảm 21,7%.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính từ đầu năm đến ngày 20-8-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố hơn 1,96 tỷ USD, giảm 27,2% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới có 762 dự án với vốn đăng ký đạt hơn 390 triệu USD, tăng 59% về số dự án và tăng 26% về vốn so với cùng kỳ...

Liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp rất khó vay vốn ngân hàng với lý do khả năng tiêu thụ sản phẩm giảm sút, không có đơn hàng. Các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hoặc ngừng hoạt động do thiếu vốn để duy trì.

Qua đó, ông Nguyễn Phước Hưng đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng khởi động lại chương trình kích cầu của thành phố. Trong đó, đưa thêm một số lĩnh vực vào chương trình kích cầu. Đặc biệt, những doanh nghiệp của thành phố có nhà máy đang hoạt động sản xuất ở các tỉnh cần đưa vào chương trình kích cầu.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai 153 dự án hạ tầng đô thị với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ. Đến thời điểm này, chỉ giải ngân đạt trên 6.300 tỷ, chiếm tỷ lệ trên 35%.

Liên quan đến nguồn thu từ đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nhiều dự án sử dụng đất đã được phê duyệt đơn giá, với tổng nguồn thu trong 8 tháng đầu năm là 5.300 tỷ đồng, tuy nhiên số thu thực tế chỉ đạt 2.300 tỷ đồng, số còn lại tiếp tục đôn đúc thu...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tháng 8 là tháng đầu tiên thành phố triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98). Các sở, ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tham mưu thành phố trình Chính phủ ban hành 2 nghị định triển khai Nghị quyết 98 để kịp thời triển khai thực hiện.

Đến nay, UBND thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 98; HĐND thành phố cũng ban hành các nghị quyết liên quan. Như vậy, thành phố đã bước đầu cụ thể hóa và phát huy Nghị quyết 98 tại cơ sở, mang lại những lợi tích thiết thực cho người dân thành phố.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 25-8, giải ngân vốn đầu tư công đạt 19.282 tỷ đồng trên 68.490 tỷ đồng được giao, đạt 28% so kế hoạch. Theo ông Phan Văn Mãi, mục tiêu đặt ra là cuối tháng 6-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 35%, cuối tháng 9-2023 phải đạt 55%. Tỷ lệ giải ngân còn lại (mục tiêu đạt 95% cả năm) là thách thức rất lớn.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, nhiệm vụ tháng 9 và các tháng cuối năm rất nặng, đòi hỏi các ngành, các cấp phải tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đã đặt ra. Trong đó, tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ thủ tục đầu tư, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, bất động sản; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là giải pháp tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và mở rộng thị trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: B ước đầu cụ thể hóa cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.