(HNMO) - Sáng nay 17-3 tại TP Hồ Chí Minh, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “TP Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”.
Toàn cảnh cuộc hội thảo. |
Tham dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đại biểu các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các vị tướng lĩnh, lão thành cách mạng và các nhà khoa học... trong nước. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đến dự và có bài phát biểu tại hội thảo.
Hơn 100 bài tham luận tại hội thảo khẳng định những thành tựu to lớn, toàn diện trong xây dựng và bảo vệ thành phố, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Các bài tham luận cũng làm rõ những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa và dân; đồng thời đánh giá những hạn chế, yếu kém trên tất cả các lĩnh vực nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đồng chí Lê Thanh Hải, Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu rõ, cách đây tròn 40 năm, nhân dân ta và các lực lượng vũ trang đã tổng tấn công và nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Chiến thắng Mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm tháng đã trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta vẫn còn vang mãi… Trong 40 năm xây dựng đất nước, thành phố luôn quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng, luôn bám sát thực tiễn tìm trong thực tiễn lời giải cho những vấn đề mới phát sinh đặt ra, không ngừng đổi mới tư duy, thí điểm các cách làm mới, mô hình mới. Thành phố cũng hết sức chăm lo đời sống cho nhân dân, nhận thức đúng vai trò, vị trí của thành phố là nơi hội tụ và lan tỏa, vì cả nước, của cả nước, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành trong cả nước. Dù vậy, thành phố cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và còn những yếu kém cần phải khác phục để phát triển ngày càng bền vững.
GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã tổng kết chặng đường 40 năm phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của TP Hồ Chí Minh. Trong 40 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã quán triệt, vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường. Kinh tế thành phố luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Nếu trước thời kỳ đổi mới, trong 10 năm (1976 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn 1991-2010, Thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số trong suốt 20 năm. Từ năm 2011 đến nay, Thành phố cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, từ khoảng 700 USD giai đoạn 1995-1996, đến năm 2014 đã đạt mức 5.131 USD. Quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp cho cả nước ngày càng lớn.
Bên cạnh phát triển kinh tế, chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển đô thị bền vững có nhiều tiến bộ rõ rệt. Văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có bước tiến tích cực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đã góp phần thiết thực hơn vào quá trình phát triển. Một trong những thành tựu đồng thời cũng là đóng góp quan trọng, quý báu của TP Hồ Chí Minh đối với công cuộc Đổi mới của đất nước là từ thực tiễn sinh động và sáng tạo của mình, Thành phố đã góp phần quan trọng vào quá trình nghiên cứu hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nhất là về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội thảo |
► Bài phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt quan trọng ở hai đầu Tổ quốc. Từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã minh chứng và khẳng định Hà Nội - Sài Gòn luôn là trung tâm hội tụ, phát huy và lan tỏa các giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam, luôn có sự gắn kết máu thịt trong suốt quá trình dựng nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Nam bộ - Sài Gòn là tiền tuyến tuyến lớn; miền Bắc - Thủ đô Hà Nội là hậu phương lớn; tuy nhiêm vụ chiến lược khác nhau nhưng có mối quan hệ khăng khít với nhau, vì mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà. Tình nghĩa keo sơn gắn bó thủy chung, mối quan hệ mang tính truyền thống đặc biệt giữa Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới , xây dựng - phát triển đất nước chắc chắn sẽ giúp hai thành phố cùng nhau sát cánh để xây dựng, phát triển góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.