Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tuyên bố về tình Ukraine từ Nhà Trắng, khẳng định cuộc trưng cầu dân ý theo dự kiến về quy chế của Crimea sẽ
Ngày 6/3, Nghị viện Crimea đã bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga. Chính quyền thân Moscow ở Crimea đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét đề nghị cho phép vùng lãnh thổ tự trị này gia nhập Liên bang Nga và đề nghị này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới.
Tổng thống Mỹ khẳng định, bất kỳ cuộc đàm phán nào về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea phải có sự tham dự của chính phủ hợp pháp của Ukraine.
Ông Obama cũng nói, Mỹ và các đồng minh đang thống nhất lập trường đối việc Nga "xâm lược" Ukraine, nhưng tuyên bố vẫn có khả năng đạt được một giải pháp ngoại giao cho bế tắc này.
Phát biểu của ông Obama được đưa ra trong lúc đàm phán tiếp tục giữa ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở châu Âu.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói quyết tâm của Mỹ và các đồng minh sẽ càng vững chắc nếu Nga "tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế" ở Ukraine. Ông hối thúc Quốc hội Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm giúp đỡ cho Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng thông báo sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực đối với các công dân Nga và Crimea, những đối tượng bị Washington coi là "đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine."
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn ký một sắc lệnh cho phép trừng phạt các "cá nhân và thực thể chịu trách nhiệm về những hoạt động làm hủy hoại tiến trình hoặc các thể chế dân chủ ở Ukraine."
Quyết định trên bổ sung cho một chính sách của Mỹ về từ chối cấp thị thực và phong tỏa tài sản của những đối tượng dính líu tới lạm dụng nhân quyền liên quan tới cuộc đàn áp chính trị ở Ukraine.
Trong khi đó, ngày 6/3, truyền thông Ba Lan đưa tin Mỹ sẽ điều 12 chiến đấu cơ F-16 tới nước này để tham gia một cuộc diễn tập huấn luyện chung vào tuần tới.
Phiên bản trực tuyến của các báo "Gazeta Wyborcza" và "Rzeczpospolita" cho biết các máy bay này sẽ tới căn cứ Lask, miền Trung Ba Lan vào ngày 10/3 tới. Lầu Năm Góc trước đó cho hay sẽ tăng cường huấn luyện quân sự với Ba Lan trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng Ukraine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak đã lên tiếng xác nhận 12 máy bay tiêm kích F-16 và 300 quân nhân Mỹ sẽ tới nước này vào tuần tới để tham gia một cuộc diễn tập huấn luyện.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan cho hay quy mô của cuộc diễn tập được tăng cường nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết 6 máy bay tiêm kích F-15 đã tới Litva để tăng cường tuần tra vùng trời trên khu vực Baltic trong bối cảnh Nga tiếp tục can thiệp quân sự vào Ukraine.
Các chiến đấu cơ và 60 quân nhân Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Siauliai tại Litva, gia nhập vào phi đội gồm 4 máy bay F-15 và 150 quân nhân Mỹ đã hiện diện tại đây để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Các chiến đấu cơ mới bổ sung đến từ khu vực Lakenheath thuộc Anh.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea có nên ở lại Ukraine hay gia nhập Nga sẽ là bất hợp pháp và “làm bất ổn nghiêm trọng tình hình, dẫn tới phân cực hơn nữa và đẩy nguy cơ leo thang xung đột lên cao”.
Bà Power nhấn mạnh Mỹ vẫn tin tưởng rằng chỉ có một lối thoát để giải quyết khủng hoảng tại Ukraine là con đường ngoại giao./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.