Theo France24, chiều 18-10 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Israel nhằm ngăn chặn cuộc xung đột Israel- Hamas có nguy cơ lan rộng - một thách thức trở nên khó khăn hơn khi làn sóng phẫn nộ lan khắp Trung Đông sau vụ không kích bệnh viện ở Dải Gaza tối 17-10 khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng.
Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden dự kiến đến thăm Jordan, nhưng các cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo Arab đã bị hủy bỏ sau cuộc không kích trên.
Trong cuộc họp báo chung ở Tel Aviv với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chiều 18-10, Tổng thống Joe Biden nói rằng, Washington sẽ cung cấp cho Israel mọi thứ cần thiết để tự vệ. Tổng thống Biden cũng cho biết, ông "buồn và phẫn nộ" trước vụ nổ tại một bệnh viện ở Dải Gaza hôm 17-10 mà Hamas cho rằng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
“Dựa trên những gì tôi đã thấy, có vẻ như đó không phải do Israel. Nhưng có rất nhiều người không chắc chắn, vì vậy, chúng tôi phải vượt qua rất nhiều thứ”, ông Biden nói.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, 1.400 người Israel, “có thể nhiều hơn” đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas, đồng thời, cảm ơn sự hỗ trợ và cam kết của Washington trong việc cung cấp cho nước này "những công cụ cần thiết để tự vệ”.
Trước đó, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari đã trình bày bằng chứng cho thấy, vụ nổ kinh hoàng tại Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi là do một tên lửa bắn nhầm từ bên trong Gaza. Ông nói rằng, chất đẩy từ tên lửa đã bốc cháy, hình ảnh từ địa điểm này cho thấy vụ nổ không thể xảy ra do cuộc bắn phá của Israel vào Dải Gaza.
Cuộc tấn công vào Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi khiến ít nhất 300 người thiệt mạng đã gây ra sự phẫn nộ từ khắp nơi trên thế giới, với các cuộc biểu tình nổ ra trên các đường phố của Amman, Tunis, Beirut và Tehran. Phía Palestine cáo buộc Israel không kích bệnh viện, trong khi quân đội Israel dẫn thông tin tình báo nói rằng, phong trào Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) - một lực lượng vũ trang ở Gaza - đã bắn nhầm rocket vào cơ sở y tế này. Tuy nhiên, tổ chức này cũng phủ nhận trách nhiệm.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, tình hình ở Dải Gaza ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát sau vụ không kích tại Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi. Ông kêu gọi "ngăn chặn bạo lực từ mọi phía".
Trong khi đó, các xe tải viện trợ cho Dải Gaza vẫn ở phía biên giới Ai Cập hôm 18-10, khi Ai Cập đổ lỗi cho Israel không cho phép hàng viện trợ này đến tay những người dân đang tuyệt vọng. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry bác bỏ những tuyên bố "không chính xác" rằng, nước này đã đóng cửa cửa khẩu biên giới duy nhất với Gaza không do Israel kiểm soát. Ông cho biết, các xe tải viện trợ đang chờ được bảo đảm "điều kiện an toàn" sau khi tuyến đường vượt biển không thể tiếp cận được sau 4 cuộc oanh tạc từ trên không.
Gaza gần như cạn kiệt điện, thực phẩm, nước và nhiên liệu sau 12 ngày bị bao vây và bị Israel oanh tạc bằng máy bay và pháo binh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.