Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-7 đã phát đi nhiều thông điệp trái chiều tới các thị trường tài chính và đối tác thương mại, khi ông vừa ca ngợi một đồng USD mạnh mẽ nhưng không loại trừ việc can thiệp để có được tỷ giá hối đoái thuận lợi hơn.
Trả lời các phóng viên, Tổng thống Trump đã nói rằng đồng USD rất mạnh, nền kinh tế Mỹ cũng rất mạnh. Nhưng đồng USD mạnh như vậy lại khiến nước Mỹ khó cạnh tranh hơn.
Song khi được hỏi tại sao ông lại từ chối hành động khi vấn đề được đưa ra thảo luận tại cuộc họp với các quan chức kinh tế ngày 23-7 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết ông “không nói rằng sẽ không làm gì đó".
Giữa bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu kinh tế Mỹ đang “giảm tốc”, một phần do những tranh chấp thương mại mà Tổng thống Trump khởi xướng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất chuẩn vào tuần tới, đảo ngược quyết định tăng đưa ra hồi tháng 12-2018.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26-7, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm từ 3,1% hồi quý I-2019 xuống 2,1% trong quý II-2019.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn cao hơn so với mức dự đoán 1,8% của các nhà phân tích nhờ chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh vào các mặt hàng như ôtô, thực phẩm và quần áo.
Trong khi đó, lạm phát của quý này đứng ở mức 1,8%, vẫn thấp hơn so với mục tiêu 2% do Fed đề ra, qua đó phần nào củng cố hơn khả năng ngân hàng trung ương này sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tuần tới.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Fed vì động thái nâng lãi suất, điều làm tăng nhu cầu đối với đồng USD và qua đó đẩy giá trị của đồng bạc xanh đi lên. Nhưng ông vẫn ca ngợi đồng nội tệ mạnh của Mỹ, nói rằng bất chấp điều này, kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động rất tốt trong khi các quốc gia khác lại suy yếu.
Một bài báo đăng trên tờ Politico hôm thứ sáu cho biết, Tổng thống Trump mới đây đã từ chối đề xuất làm suy yếu đồng USD để bù đắp cho tình trạng thâm hụt thương mại của Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro.
Tại cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC vào cùng ngày, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow đã nói rằng mặc dù có những lo ngại dai dẳng về việc các quốc gia can thiệp vào đồng nội tệ của họ, Chính phủ Mỹ vẫn loại trừ các chính sách can thiệp tiền tệ.
Theo giới quan sát, ông Kudlow phải đề cập tới việc này nhằm phủ nhận những đồn đoán rằng Tổng thống Trump sẽ có động thái can thiệp lên tỷ giá đồng USD.
Tuy nhiên, việc Nhà Trắng thảo luận về khả năng tiến hành can thiệp tỷ giá là một tin chấn động đối với các nhà kinh tế. Thậm chí, một số người cho rằng đây là một trong những yếu tố rủi ro lớn trong 12 tháng tới.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các đối tác thương mại lớn của mình. Khi những nền kinh tế này giảm tốc tăng trưởng, đồng nội tệ của họ sẽ có xu hướng mất giá, giúp cho các sản phẩm xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn.
Nhưng giới phân tích cảnh báo nếu Washington cố gắng đưa ra biện pháp đối phó với tình trạng đó, nó có thể dẫn đến thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.