Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thống đắc cử Donald Trump: Những lựa chọn khó khăn

Quang Huy| 03/12/2016 06:22

(HNM) - Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng nội các. Những thông tin về các vị trí trong Chính phủ mới của vị tỷ phú New York đang dần được hé lộ.



Tuy nhiên, những chuẩn bị đầu tiên cho việc chèo lái nước Mỹ là một công việc không dễ dàng. Cho đến nay, ban lãnh đạo của nhà tài phiệt này vẫn còn thiếu nhiều vị trí chủ chốt, đòi hỏi những chính trị gia giàu kinh nghiệm.


Tổng thống đắc cử D.Trump đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện nội các.


Trong một động thái mới nhất, Tổng thống đắc cử D.Trump thông báo sẽ đề cử tướng về hưu James Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Thông báo về quyết định trên tại TP Cincinnati, bang Ohio, ông D.Trump khẳng định tướng Mattis là "lựa chọn thích hợp nhất”. Trong khi đó, tỷ phú Wilbur Ross, người làm giàu nhờ gắn kết các công ty đang gặp khủng hoảng, sẽ trở thành Bộ trưởng Thương mại và ông Todd Ricketts, một thành viên của gia đình tỷ phú sở hữu Hãng Chicago Cubs sẽ trở thành Thứ trưởng Thương mại. Một tỷ phú khác là Betsy DeVos được chọn làm Bộ trưởng Giáo dục trong khi cựu lãnh đạo Goldman Sachs Steve Mnuchin sẽ giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Hiện nay, “chiếc ghế” Bộ trưởng Năng lượng đang được cân nhắc giữa hai cái tên sáng giá là Thượng nghị sĩ Joe Manchin và Chủ tịch Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Gary Cohn.

Có thể thấy, với việc lựa chọn nội các mới gồm nhiều tỷ phú, nhà đầu tư, giám đốc ngân hàng... Tổng thống đắc cử D.Trump thể hiện rõ định hướng tập trung thúc đẩy kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này cũng đang gây nên những lo ngại trong giới chuyên gia bởi các vị trí trong nội các mới đều là những người chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Chuyên gia Eisen thuộc Viện Brookings cho rằng điều này có thể dẫn đến các vấn đề tiềm tàng cả trong phát triển chính sách lẫn công tác quản trị. Trong khi đó, ông William Galston, người từng làm cố vấn chính sách cho cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện đang làm việc tại Viện Brookings lại lo ngại về sự hiện diện của những đồng minh trung thành cũng như những người thân trong gia đình ông D.Trump trong chính quyền sắp tới. Theo ông Galston, điều này có thể dẫn đến hiện tượng “đóng kín tư duy” khi mọi thông tin bị gò bó trong phạm vi thu hẹp, tác động đến dòng chảy thông tin mà mọi tổng thống cần có trong quá trình điều hành đất nước.

Một trong những tranh cãi khác trong đề cử nội các của ông D.Trump là sự "lơ là" đối với đội ngũ tình báo quốc gia. Tỷ phú bất động sản đã chọn Hạ nghị sĩ bang Kansas Mike Pompeo làm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) từ hôm 18-11 nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có thêm chuyển động nhân sự mới ở mảng này. Theo giới chức Mỹ, chính quyền các đời tổng thống trước thường ưu tiên công tác chuyển giao quyền lực trong đội ngũ tình báo vì đây là lĩnh vực trọng yếu đối với chính sách đối ngoại, quốc phòng và ngân sách quốc gia của Mỹ.

Ngoài ra, chức danh Ngoại trưởng Mỹ, vị trí đòi hỏi người rất giàu kinh nghiệm chính trường dường như đang khiến cho vị Tổng thống đắc cử khá lúng túng. Nhóm cố vấn của ông D.Trump hiện vẫn bất đồng về việc chọn ai cho chiếc ghế quyền lực này trong chính quyền mới. Một số người ủng hộ cựu ứng viên Tổng thống Cộng hòa Mitt Romney. Nhiều người khác lại “chấm” cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và cho rằng không nên lựa chọn ông Romney bởi đây là một trong những người chống D.Trump mạnh mẽ nhất trong chiến dịch tranh cử 2016. Nhưng dường như vị tỷ phú New York có xu hướng ưa thích ứng cử viên này. Là một chính trị gia lão luyện, ông Romney chủ trương một chính sách đối ngoại cứng rắn, đôi khi là can thiệp. Các nhà phân tích cho rằng có lẽ Tổng thống đắc cử D.Trump tin rằng cựu Thống đốc bang Massachussetts sẽ là người có khả năng bảo vệ và thúc đẩy quan điểm đối ngoại của ông. Việc đề cử ông Romney được giới quan sát coi là sự chọn lựa tốt nhất của ông chủ Nhà Trắng tương lai khi chính trị gia 69 tuổi được nhìn nhận là có sự hiểu biết rộng rãi về các vấn đề quốc tế sau hai lần tranh cử tổng thống.

Quá trình hoàn thiện nội các đang vấp phải những tranh cãi của Tổng thống đắc cử D.Trump cho thấy một nước Mỹ vẫn tồn tại nhiều bất đồng sau cuộc bầu cử gây chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, việc lựa chọn các thành viên chính phủ sẽ mang tính chất quyết định cho thành công của vị tỷ phú 70 tuổi trên cương vị người lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới nhằm thực hiện cam kết của ông với cử tri là khiến “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống đắc cử Donald Trump: Những lựa chọn khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.