Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thống Brazil thăm châu Âu: Chuyến công du mang nhiều ý nghĩa

Quỳnh Dương| 25/04/2023 07:30

(HNM) - Sau một loạt chuyến công du tới nhiều quốc gia như Argentina, Mỹ, Trung Quốc, Tổng thống Brazil Lula da Silva tiếp tục đi thăm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha từ ngày 20 đến 26-4. Chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa bởi không chỉ mở rộng quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực mà còn khẳng định cam kết của Brazil là thúc đẩy quan hệ hữu nghị với tất cả các nước và cân bằng trong quan hệ với Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc.

Tổng thống Brazil Lula da Silva (bên phải) và Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa duyệt đội danh dự.

Điểm dừng chân đầu tiên tại Cựu lục địa của Tổng thống Lula da Silva là Bồ Đào Nha - quốc gia được xem là cửa ngõ cho Brazil vào Liên minh châu Âu (EU). Ở chiều ngược lại, EU cũng muốn đàm phán nhằm đạt được một hiệp định tự do thương mại với Brazil và các nước láng giềng của quốc gia này trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm Argentina, Paraguay và Uruguay. Thời gian vừa qua, hiệp định đã bị đình trệ do những lo ngại của châu Âu về vấn đề môi trường, đặc biệt là việc phá rừng nhiệt đới Amazon phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Brazil.

Tại Bồ Đào Nha, Tổng thống Lula da Silva đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Marcelo Rebelo de Sousa, cùng Thủ tướng Antonio Costa tham dự các hội nghị cấp cao, diễn đàn doanh nghiệp và nhiều sự kiện khác. Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết 13 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục, tư pháp, y tế, kinh tế và văn hóa.

Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Lula da Silva và người đồng cấp Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa nhấn mạnh cam kết đối với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột. Tuyên bố cũng cho biết, Bồ Đào Nha và Brazil ủng hộ hoạt động đầy đủ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian, được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 7-2022 để thiết lập một hành lang nhân đạo trên biển cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của hai quốc gia này.

Tại chặng thứ hai của chuyến công du vào ngày 25 và 26-4 tới Tây Ban Nha, Tổng thống Lula da Silva sẽ có các cuộc gặp với Vua Tây Ban Nha Felipe VI và Thủ tướng Pedro Sanchez. Sự kiện này diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm mang tính chất cá nhân của ông Lula da Silva tới Tây Ban Nha, cho thấy tầm quan trọng của Madrid trong chính sách đối ngoại của Brazil. Tây Ban Nha cũng đánh giá cao mối quan hệ với Brazil - một đối tác quan trọng ở Mỹ Latinh, với vị trí chiến lược và nền kinh tế đang phát triển. Theo các nhà phân tích, tương tự như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Brazil có mối quan hệ lâu dài, chia sẻ nền tảng văn hóa và ngôn ngữ tương đồng. Đây là “chất xúc tác” khiến hai nước trở thành đối tác tự nhiên trong hợp tác thương mại, đầu tư và chính trị.

Trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo hai bên, vấn đề liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ là nội dung được bàn thảo. Hiện tại, Tổng thống Lula da Silva đang thúc đẩy thành lập một “câu lạc bộ hòa bình” để làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Theo Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, cần phải "chọn cách thức thứ ba" để có thể kiến tạo một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Lula da Silva trở lại nắm quyền điều hành đất nước thay người tiền nhiệm Jair Bolsonaro vào ngày 1-1, khi thế giới vừa thoát khỏi 3 năm đại dịch Covid-19, song lại chao đảo bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông đã ban hành nhiều chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế cũng như thúc đẩy hội nhập quốc tế và khôi phục vai trò trung gian hòa giải của Brazil. Các chuyến công du dày đặc suốt gần 4 tháng qua, trong đó có chuyến thăm châu Âu lần này, thể hiện rõ tham vọng của Tổng thống Lula da Silva nhằm đưa Brazil trở lại các diễn đàn quốc tế như ông đã nhấn mạnh: “Thời kỳ Brazil vắng mặt trong các quyết định lớn của thế giới đã qua!”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Brazil thăm châu Âu: Chuyến công du mang nhiều ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.