(HNM) - Trước khi diễn ra việc chuyển đổi chủ sở hữu về Bộ Thông tin và Truyền thông vào đầu năm 2013 để hoạt động độc lập với Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam - tiền thân của Tổng Công ty Bưu điện (VietnamPost) hiện nay đã trải qua cuộc thử thách 5 năm (từ tháng 1-2008). Có thể nói, đây là quãng thời gian "thử lửa" với ngành bưu chính, để từng bước khẳng định sự phát triển trong giai đoạn mới của một ngành kinh tế.
Khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của VietnamPost. Ảnh: Trọng Hải |
Thời điểm bắt đầu ra "ở riêng" (năm 2008) Vietnam Post đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là lực lượng lao động đông (khoảng 4,8 vạn), nhưng chất lượng không đồng đều, không ít người chưa qua đào tạo; mạng lưới bưu chính rộng khắp cần chi phí lớn để duy trì… Và, một yếu tố không thể không kể đến là tâm tư của đội ngũ CBCNV, còn lo lắng về tương lai, thu nhập sau khi tách ra khỏi Tập đoàn VNPT. Một loạt thách thức đặt ra, nhưng những người làm bưu chính đã từng bước tháo gỡ. Đó là việc tổng công ty từng bước tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, năng động và hiệu quả hơn. Trong đó, bãi bỏ mô hình bưu điện thành phố, thị xã; thống nhất tổ chức các phòng thuộc bưu điện tỉnh; cơ cấu, sắp xếp lại bưu điện quận, huyện thành bưu điện khu vực. VietnamPost sắp xếp lại lao động, giảm hơn 5.000 người, hiện chỉ còn gần 4,3 vạn lao động. Việc cơ cấu lại mạng lưới, sắp xếp lại tổ chức, tính toán lại số lượng lao động trên mạng lưới, đồng bộ với việc mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD) đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của đơn vị.
VietnamPost đã giữ vững và phát huy vai trò chủ lực đối với mạng lưới bưu chính, mật độ điểm phục vụ được cân đối, sắp xếp lại từng bước theo đúng quy hoạch (bán kính phục vụ bình quân đạt 2,53 km/điểm, số dân phục vụ bình quân đạt 5.548 người/điểm; 91,7% số xã trong cả nước có Báo Nhân Dân đến trong ngày). Việc SXKD được thực hiện theo lộ trình giảm dần chênh lệch thu - chi (không gồm trợ cấp công ích). Cụ thể, nếu năm 2008 chênh lệch thu là âm (-) 1.286 tỷ đồng; năm 2009 giảm còn -1.070 tỷ đồng; năm 2010 còn -941 tỷ đồng; năm 2011 còn -597 tỷ đồng; năm 2012 là -416 tỷ đồng. Năm 2013 - thời điểm hoạt động độc lập với VNPT, VietnamPost phấn đấu đạt cân bằng thu chi và đề ra mục tiêu có lãi vào các năm tiếp theo. Cũng trong 5 năm qua, nhà nước cũng lần lượt giảm trợ cấp công ích, từ 1.423 tỷ đồng (năm 2008) xuống còn 447 tỷ đồng (năm 2012). Doanh thu từ các dịch vụ bưu chính ngày một tăng lên, ví dụ năm 2008 là 2.300 tỷ đồng đến năm 2009 tăng lên 2.896 tỷ đồng, năm 2012 đạt 3.340 tỷ đồng - cũng đồng nghĩa việc giảm dần sự phụ thuộc vào việc kinh doanh các dịch vụ viễn thông. Từ chỗ chỉ cung cấp những dịch vụ truyền thống bưu phẩm, bưu kiện, phát hành báo chí, chuyển tiền, chuyển phát nhanh... và có phần bị động, nay Bưu chính Việt Nam đã có nhiều dịch vụ mới được chia thành nhóm dịch vụ: tài chính bưu chính, bưu chính chuyển phát, viễn thông công nghệ thông tin. Tổng Công ty cũng thực hiện các dịch vụ công của Chính phủ như chi trả bảo hiểm xã hội, chuyển phát hộ chiếu, visa, CMTND - đây sẽ là những dịch vụ tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn trong tương lai…Nhờ triển khai hàng loạt giải pháp thúc đẩy hoạt động SXKD, doanh thu tính lương bình quân của VietnamPost trong 5 năm qua tăng bình quân 8%/năm; năng suất lao động sau 5 năm tăng từ 109 triệu đồng/người/năm, lên gần 200 triệu đồng/người/năm.
Sau 5 năm "thử lửa", từ năm nay VietnamPost bước sang một giai đoạn hoạt động mới, Bưu chính Việt Nam đã, đang phấn đấu tự đổi mới mình, ngày càng nâng cao sức cạnh tranh để giữ vững vai trò chủ lực của một ngành kinh tế. Với khẩu hiệu hành động: "Gửi cả niềm tin" là mục tiêu, là giá trị cốt lõi mà Bưu chính Việt Nam hướng tới để xây dựng doanh nghiệp ngày một lớn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.