Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn vinh đúng tinh hoa nghệ thuật biểu diễn

An Nhi| 28/06/2020 06:41

(HNM) - Để tôn vinh đúng những tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, khắc phục nhiều vướng mắc thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ghi nhận góp ý của giới nghề để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Trong đó, nhiều ý kiến xác đáng nhằm góp phần giúp việc xét tặng chính xác hơn, động viên nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật.

Sửa đổi, bổ sung quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được kỳ vọng giúp việc này bảo đảm chính xác hơn. Trong ảnh: Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia vở diễn “Cậu Vanya”.

Tránh bỏ sót tài năng xuất sắc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đi vào thực chất, bảo đảm công bằng, chính xác, đồng thời phù hợp với thực tiễn, có tầm nhìn xa để phục vụ cho sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm xem xét và đến tận nơi làm hồ sơ cho nghệ sĩ để tránh bỏ sót tài năng.

Dự thảo đề ra 7 nội dung cần sửa đổi, bổ sung, chủ yếu khắc phục những vướng mắc từ nhiều lần xét tặng trước. Trong đó, việc bổ sung cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ được giới nghề ủng hộ, vì sẽ tạo cơ hội cho nghệ sĩ được truyền nghề tại gia hoặc ở đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc tăng số lượng nhà chuyên môn trong thành phần hội đồng xét tặng, tăng tỷ lệ số thành viên có mặt tại cuộc họp hội đồng cũng được đồng tình. Về tiêu chuẩn xét tặng, các danh hiệu đều yêu cầu nghệ sĩ phải có ít nhất một giải thưởng cá nhân. Tuy nhiên, những nghệ sĩ chưa đủ tiêu chuẩn về giải thưởng, nhưng là nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong kháng chiến hoặc phong trào văn nghệ địa phương, nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật truyền thống, nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc vũ kịch… được xem xét đặc cách.

Để tránh thiệt thòi cho các nghệ sĩ xứng đáng, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, nên quy định chi tiết cho những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, hai nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp thi quốc tế đoạt giải tiết mục, nhưng không có chứng nhận giải cá nhân, theo dự thảo thì chưa đủ điều kiện xét tặng danh hiệu.

Tương tự, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nêu, chỉ đạo chương trình, chỉ huy dàn nhạc trong âm nhạc vô cùng quan trọng, bởi vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng không có cuộc thi chuyên nghiệp nào cho họ, nên khó có giải thưởng cá nhân…

Bảo đảm tôn vinh nghệ sĩ xứng tầm

Vấn đề thu hút sự quan tâm của những người làm chuyên môn trong dự thảo lần này, là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” thông qua bảng quy đổi các giải thưởng, huy chương từ giải thưởng tác phẩm.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình bày tỏ, có nhiều thành phần sáng tạo trong tác phẩm sân khấu như chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng, chỉ huy dàn nhạc, nhạc công, biên đạo múa truyền thống…, nhưng không có trong thành phần đề nghị quy đổi giải thưởng của dự thảo lần này hoặc giảm mức quy đổi giải thưởng so với trước đây, khiến họ khó với tới các danh hiệu cao quý.

Còn Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lại cho rằng, để có một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều thành phần góp sức, nhưng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” chỉ nên xét tới những người sáng tạo chính, có dấu ấn cá nhân, là tinh hoa, tinh túy trong giới nghệ thuật.

Cùng chung quan điểm, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam bổ sung, nên có yêu cầu nghệ sĩ phải tích cực tham gia hoạt động xã hội, cống hiến vì cộng đồng trong hồ sơ xét tặng danh hiệu. “Nghệ sĩ có nhiều huy chương, nhưng mỗi khi có hoạt động cộng đồng lại từ chối tham gia, thì chưa xứng đáng được tôn vinh”, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc nhấn mạnh. Còn Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng cho rằng, cần có quy định về việc thu hồi danh hiệu hoặc có hình thức xử lý phù hợp trong trường hợp nghệ sĩ đã nhận danh hiệu, nhưng có vi phạm phải xử lý hình sự hoặc có hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu đến xã hội...

Ở khía cạnh khác, Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Chương chỉ ra, nếu một bộ phim hoặc nghệ sĩ trong một phim đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi quốc gia và quốc tế, thì chỉ cần tính một lần giải thưởng cao nhất, bảo đảm công bằng trong tiêu chí đóng góp nghệ thuật.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, các nội dung dự thảo hướng đến tôn vinh những nghệ sĩ toàn diện, vừa có tâm, vừa có tầm, bảo đảm tương xứng với các thế hệ đi trước. Có như vậy mới thôi thúc nghệ sĩ phấn đấu, sáng tạo, từ đó đi đến những mục tiêu chung là phát triển nghệ thuật Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh đúng tinh hoa nghệ thuật biểu diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.