Vũ Quốc Tuấn là "tay máy vàng" của điện ảnh Việt Nam. Từ bộ phim đầu tiên “Hoa của trời” (1995) đến nay, nhiều bộ phim do ông là quay phim chính như “Đầm hoang” (1996), “Hà Nội mùa đông năm 46” (1997), “Những người thợ xẻ” (1998), “Cuộc đời của Yến” (2015), “Truyền thuyết về Quán Tiên” (2018)... không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế.
Ông còn là nhà quay phim duy nhất 2 lần giành giải thưởng Quay phim xuất sắc với 2 bộ phim trong một kỳ liên hoan phim. Đây là một vinh dự cao quý, khẳng định tài năng và đóng góp của ông cho điện ảnh nước nhà.
1. Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn sinh năm 1962 tại Hà Nội. Bố của ông là chủ nhiệm Vũ Văn Nha, một nhà sản xuất phim có tiếng của Hãng phim truyện Việt Nam. Sống trong môi trường điện ảnh từ nhỏ, hiểu công việc cũng như cách bố mình làm việc, Vũ Quốc Tuấn bén duyên điện ảnh như một lẽ tự nhiên qua những điều đã được lưu sâu vào tâm trí “đến nỗi trở thành máu thịt”, như ông chia sẻ.
Sau khi học hết phổ thông, Vũ Quốc Tuấn thi đỗ vào khoa Quay phim, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1986, Vũ Quốc Tuấn về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam cùng với các bạn học, sau này đều là những tên tuổi nổi bật của lĩnh vực quay phim như Nguyễn Đức Việt, Lý Thái Dũng, Vũ Đức Tùng...
“Hoa của trời”, “Vầng trăng lửa”, “Đầm hoang”, “Hà Nội mùa đông 46”, “Những người thợ xẻ”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Rừng đen”, “Nhìn ra biển cả”, “Nhà tiên tri”, “Cuộc đời của Yến”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Hồng Hà nữ sĩ”... đều là những bộ phim điện ảnh ghi đậm dấu ấn của quay phim Vũ Quốc Tuấn khi đem đến cho người xem những ấn tượng khó quên ở khía cạnh hình ảnh.
Là người đảm nhiệm phần hình ảnh cho các bộ phim ở các thể loại và đề tài khác nhau: Đề tài về cuộc sống đương đại có “Những người thợ xẻ”, “Rừng đen”, “Đầm hoang”; về chiến tranh, cách mạng, lịch sử có “Giải phóng Sài Gòn”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Nhìn ra biển cả”, “Nhà tiên tri”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” hay phim ca nhạc đậm chất trữ tình như “Em còn nhớ hay em đã quên”..., Vũ Quốc Tuấn đều có sự nhất quán trong cách làm việc. Đó là dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản phân cảnh, thậm chí đọc thuộc. Và dù đã thuộc rồi, trước mỗi cảnh quay bao giờ ông cũng nghiền ngẫm kỹ câu chuyện, lời thoại nhân vật để sau đó yêu cầu cộng sự đặt góc máy sao cho đẹp và hiệu quả. Những cuốn kịch bản trên tay ông, cạnh mỗi cảnh diễn đều có vẽ khuôn hình dự tính và ghi chú những ký hiệu riêng.
Với cách làm việc này, Vũ Quốc Tuấn luôn đem đến sự hài lòng cho các đồng nghiệp trong ê kíp làm phim. Họ không chỉ đánh giá cao hình ảnh do Vũ Quốc Tuấn quay - những khuôn hình “hết sức lãng mạn và hào sảng”, mà còn ghi nhận ở ông tinh thần làm việc “đầy trách nhiệm”, “hết mình”.
Thành công cũng đã đến với Vũ Quốc Tuấn khi ông hai lần đoạt Giải quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 - năm 1999 (phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Những người thợ xẻ”), và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 năm 2015 tại thành phố Hồ Chí Minh (phim “Cuộc đời của Yến”).
2. Có thể nói, nguyên tắc làm việc đầy trách nhiệm và hết mình, đã làm là phải làm đến cùng chứ không bao giờ chấp nhận sự nửa vời của nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn đã tạo cho ông một “thương hiệu” riêng không lẫn với người khác.
Trong phim “Giải phóng Sài Gòn”, cảnh những chiếc xe tăng của quân giải phóng đồng loạt đội đất chui lên đã gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Hình ảnh đại ngàn rung lắc, chao đảo khi đồng loạt bị lâm tặc đốn ngã trong “Những người thợ xẻ” và “Rừng đen” khiến người xem như cảm nhận được máu từ cây rừng đang ào ạt chảy.
Trong khi đó, “Nhà tiên tri” lại có những góc máy nội tâm rất tiêu biểu cho phong cách quay của Vũ Quốc Tuấn khi đặc tả hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi câu cá bên suối, lúc Người cưỡi ngựa trong sương sớm hay đang cho bầy chim bồ câu ăn đã giúp tạo sự cân bằng cho một bộ phim về đề tài lịch sử, lãnh tụ tưởng chừng khô khan, có những cảnh chiến tranh khốc liệt.
Không ngại khó, chấp nhận mạo hiểm để đạt hiệu quả cũng là một đặc điểm của nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn. Tôi từng được nghe một câu chuyện được thành viên trong đoàn phim “Nhìn ra biển cả” kể lại, cho thấy sự kiên trì, bền bỉ để đạt được ý đồ nghệ thuật cao của Vũ Quốc Tuấn.
Chuyện kể rằng, có một số cảnh phim, vì một lý do bất khả kháng nên phải quay trong tháng 11 và 12 - thời điểm cuối năm ở Huế luôn duy trì kiểu thời tiết "hết u ám thì... lại mưa", nhưng Vũ Quốc Tuấn vẫn kiên quyết đợi ngày có nắng, mặt nước biển xanh trong để quay cảnh Nguyễn Tất Thành ngồi đọc sách bên bờ biển và trò chuyện với cô học trò nhỏ của mình.
Lý giải cho việc buộc cả đoàn phim phải đợi nắng mới quay, Vũ Quốc Tuấn nêu ra tiêu chuẩn kép cần có của một cảnh quay: Vừa đẹp vừa có hồn, giống như vẻ đẹp của người con gái cần phải hài hòa ở dáng vẻ bên ngoài và sự duyên dáng mặn mà trong phong thái, lối ứng xử.
Gần 40 năm gắn bó với điện ảnh, chỉ làm đúng một công việc quay phim, vẫn giữ tác phong chỉn chu, kỹ tính vốn đã thành thương hiệu riêng, Vũ Quốc Tuấn bình thản hoàn thành sứ mệnh của người làm nghề “kể chuyện bằng hình ảnh” với nhiệt huyết lúc nào cũng như thuở ban đầu.
3. Chuyên tâm với con đường mình đang đi, trong hoàn cảnh nào cũng giữ được sự chân chất, mộc mạc của người nghệ sĩ tự nhận là từ nhỏ đã có thói quen quan sát cuộc sống, nghiền ngẫm và tự tưởng tượng ra câu chuyện của riêng mình, Vũ Quốc Tuấn không những giữ được ngọn lửa đam mê với điện ảnh mà còn nhận được sự trân trọng của đồng nghiệp.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã làm việc với quay phim Vũ Quốc Tuấn trong một số bộ phim do bà sản xuất, cho biết, sự kỹ tính và kinh nghiệm ngoài trường quay, từ cách đặt góc máy như thế nào cho đến cách bố trí ánh sáng sao cho thật đẹp, thật đời và cũng thật điện ảnh của Vũ Quốc Tuấn đã khiến bà có cảm giác thật yên tâm, cả về hiệu quả nghệ thuật và về con người của ông. Không bao giờ ông gây khó dễ cho nhà sản xuất, mà luôn giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công việc.
Trong công việc là thế, ngoài đời, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn là người khá kiệm lời. Trong quán cà phê quen, giữa đám đông đang trò chuyện sôi nổi về mọi đề tài, ông thường lặng lẽ quan sát, lắng nghe và tưởng tượng ra một tình huống song hành với thực tế. Đó là cách ông tìm ra những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi “Mình muốn khán giả cảm nhận tình huống này như thế nào?” thường được ông đặt ra trước khi bấm máy ghi lại một cảnh phim, để từ đó chọn được đáp án đúng của riêng Vũ Quốc Tuấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.