(HNM) - Nhắc đến cây bút Ma Văn Kháng (tên thật là Đinh Trọng Đoàn), người đọc nhớ ngay đến hàng loạt tác phẩm đã trở thành
Nhà văn Ma Văn Kháng (trái) và bìa một cuốn sách của ông. |
- Trước hết, xin chúc mừng nhà văn với Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT. Hẳn là ông cũng có đôi điều muốn chia sẻ với bạn đọc nhân niềm vui này?
- Cũng như nhiều nghề cao quý khác, viết văn là một loại hình lao động đòi hỏi sự nghiêm túc, nhẫn nại và tính kỷ luật rất cao, bởi mục tiêu của nó không gì khác là phục vụ lợi ích của con người và xã hội. Từ chất liệu hiện thực đời sống ngổn ngang, chọn lọc, xếp sắp lại tạo nên một cơ cấu văn chương đẹp hoàn hảo tới mức tối đa là một công việc nhọc nhằn. Ngoài năng khiếu bẩm sinh ra, thì lao động tận lực, cần cù và sáng tạo chiếm một tỉ trọng quyết định. Được nhận giải thưởng này là một vinh dự lớn trong đời một người viết văn.
- Trong chừng 200 truyện ngắn và hơn một chục cuốn sách thể loại tiểu thuyết, hồi ký, bút ký trong đời văn của mình, ông có dành sự ưu ái riêng cho tác phẩm nào không?
- Tôi quý trọng, yêu thương tất cả những gì tôi đã viết. Tuy nhiên, nếu chỉ được phép chọn một thì tôi sẽ chọn cuốn tiểu thuyết “Côi cút giữa cảnh đời”. Cuốn sách kể lại một số sự kiện đã xảy ra trong gia đình tôi. Trong đó có cuộc sống của những năm tháng gian khó không thể quên của tôi, có bóng hình những đứa con tôi và đặc biệt là có hình ảnh mẹ tôi.
Mẹ tôi đã sống với tôi trong suốt những năm gian khó nhất của đất nước. Kháng chiến lần thứ nhất, bố tôi mất vì bom giặc. Bốn anh em lớn đi bộ đội hết. Một mình mẹ tần tảo nuôi bốn đứa con còn nhỏ. Kháng chiến chống Mỹ, 5 con trai lớn đi bộ đội, trong đó 2 con là liệt sĩ, mẹ lại vất vả vì mấy đứa cháu nội ngoại, cho các con yên lòng công tác, chiến đấu. Hy sinh tất cả cho các con, các cháu, chưa bao giờ mẹ tôi có được một ngày sung sướng. Bây giờ các con cháu đều đã trưởng thành, có thể đền công sinh thành nuôi dưỡng của mẹ thì mẹ chẳng còn nữa!
Tất nhiên, khi đi vào trong tác phẩm, tất cả đều đã được khúc xạ qua lăng kính nghệ thuật.
- Thưa nhà văn, có lẽ không riêng gì hình ảnh người mẹ, rất nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông cho đến nay vẫn ám ảnh người đọc. Có phải ông đều có nguyên mẫu cho nhân vật trước khi khởi thảo tác phẩm?
- Khởi đầu một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết thông thường là từ sự quan sát, gợi ý bởi một con người có thật ở ngoài đời và những gì có quan hệ tới người đó. Xin phép lấy nhân vật Đông trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của tôi làm ví dụ. Tôi lấy từ ông anh vợ tôi cái đức ăn ở vô tư lự, cái ngoại hình đầy đặn và các chi tiết tiểu sử đời ông, cho nhân vật của mình. Sách in ra, mấy đứa con ông mách bố: “Chú Kháng viết về bố đấy!”. Ông cười xòa “Thiếu gì người như tao!”. Trong tiểu thuyết “Một mình một ngựa”, hầu hết nhân vật đều có một nguyên mẫu ở ngoài đời. Bạn đọc từng sống những năm tháng ấy ở Lào Cai đều có thể gặp lại bóng hình người này, người nọ thấp thoáng trong nhân vật này, nhân vật kia. Bí thư Quyết Định trong tác phẩm có nguyên mẫu từ ông Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, người mà tôi có vinh dự được làm thư ký riêng cho ông nhiều năm.
Khởi đầu từ nguyên mẫu có mấy cái lợi: Tự tin hơn khi viết; nhân vật có máu thịt cuộc sống, sinh động hơn; viết dễ dàng hơn vì thừa hưởng một cách miễn phí một số chất liệu đã có sẵn khi xây dựng nhân vật.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh điều quan trọng này vẫn chỉ là sự khởi đầu! Không bao giờ có sự đồng nhất giữa nhân vật văn học và con người thật ở ngoài đời. Từ cái phôi ban đầu, còn phải trải qua một quá trình chọn lọc, bổ sung, bồi đắp, luận giải, nhào nặn, biến hóa… chán chê, cuối cùng nếu thành công (mà đã chắc gì) thì mới thành nhân vật văn học được.
- Ông vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết mới nhất về thể thao - một đề tài khá hiếm trong văn học đương đại. Ông có nghĩ văn học vẫn còn để trống rất nhiều mảng đời sống hiện thực như doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, lãnh đạo trẻ, nông dân… trong thời kỳ hội nhập?
- Đúng là còn rất nhiều mảng hiện thực của đời sống chưa thấy được phản ánh trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, đề tài lại không phải là tiêu chí quan trọng, càng không phải là duy nhất để xác định giá trị một tác phẩm, một trào lưu, hay một nền văn học. Quan trọng là cái linh hồn hàm ẩn ở trong câu chuyện ta kể, trong các trang viết, ở giữa các dòng chữ của ta kia. Tác phẩm văn học đỉnh cao có tầm nhìn xa, nó ẩn chứa những giá trị văn hóa, thẩm mỹ lâu dài và phổ quát cho mọi người, mọi thời.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.