(HNM) - Uông Triều (tên thật là Nguyễn Xuân Ban, sinh năm 1977) vốn là một thầy giáo nhưng đã rẽ ngang để trở thành nhà văn chuyên nghiệp, mà lại đầu quân vào hàng ngũ nhà văn áo lính ở
Mặc dù chỉ giành giải khuyến khích tại cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2011-2013) vừa qua, song Uông Triều được đánh giá là "một cây bút có nhiều triển vọng, chịu tìm tòi đổi mới, đặc biệt ở đề tài lịch sử"… Uông Triều chia sẻ với Hànộimới về câu chuyện văn chương của anh.
- Thưa anh, văn chương có hấp lực gì mạnh mẽ khiến anh từ bỏ nghề làm thầy để chuyển sang làm người viết văn chuyên nghiệp?
- Tôi dạy học mười năm, nói về nghề nghiệp cũng có thể gọi là thành công. Chuyển sang viết văn chuyên nghiệp là một trong những quyết định khó khăn nhất của tôi.
Nhà văn Uông Triều và tác phẩm của anh. |
- Biển là hình ảnh được khai thác nhiều trong các truyện ngắn của anh. Hình như là bởi anh quê ở một vùng biển nổi tiếng. Anh có nghĩ mỗi nhà văn đều cần có và phải có một mảnh đất hiện thực gợi cảm hứng cho sáng tạo của mình?
- Quê tôi ở Quảng Ninh. Quê biển, có cả núi cao, vực sâu nữa. Không ai có thể tách rời khỏi quê hương, bản quán của mình được, nhất là nhà văn. Tôi cũng thế thôi! Vùng đất Đông Bắc hùng vĩ, tươi đẹp, mang trong lòng bề dày trầm tích lịch sử, văn hóa là nền tảng cho tính cách của tôi, con người tôi. Quê hương đã nuôi dưỡng tôi, ở đó có cha mẹ tôi, bạn bè tôi, tuổi thơ tôi. Tôi dại gì mà từ bỏ quê hương của mình.
- Cảm hứng lịch sử đã trở thành một dấu ấn trong sáng tác của anh. Là một người mê khảo cứu lịch sử, anh thường tìm kiếm tư liệu sau khi có nhân vật hay anh phải đi tìm nhân vật trong những cuộc khảo cứu?
- Những người viết về lịch sử trước hết phải có niềm yêu thích và có kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa. Trong quá trình đọc và suy ngẫm, nếu phát hiện ra những nhân vật lịch sử có cá tính, sinh động thì có thể tìm hiểu sâu hơn để viết. Hai quá trình này diễn ra song song và không tách rời nhau. Có những nhân vật lịch sử, tác giả phải đi điền dã nhiều lần, tìm kiếm tư liệu công phu mới viết được. Nói chung, quá trình viết một tác phẩm về đề tài lịch sử mất nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều so với một tác phẩm viết về đề tài hiện đại.
- Nữ nhi trong các tác phẩm của anh dù là dân thường hay cành vàng lá ngọc đều bị cuốn vào trạng thái nội tâm dằn vặt dữ dội. Vì sao vậy, thưa anh?
- Con người ai cũng có một tâm hồn, phụ nữ còn đa mang, đa cảm hơn nhiều. Tôi thích những nhân vật nữ sâu sắc, có tâm hồn trong cả đời thực và văn chương. Vì thế, nếu không làm cho các nhân vật nữ của mình sinh động mà sâu sắc thì tôi không thể yên tâm được.
- Có một cô Nhiên nào đó cứ xuất hiện trong nhiều truyện ngắn của anh. Anh từng nói, đó là một bí mật của riêng mình…
- Về mặt ngôn ngữ, tôi muốn có một từ tạo không khí yên bình, sâu lắng. Tôi muốn một cái tên không quá hiện đại, gợi được điều gì đó hoài cổ, xa vắng. “Nhiên” đáp ứng được yêu cầu đó. “Nhiên” là tổng mẫu một số phụ nữ tôi từng gặp ngoài đời: Dịu dàng, sâu lắng, đôi khi dữ dội, quyết liệt đến... phát sợ.
- Tôi thích cách anh tái hiện nhân vật Phạm Nhan trong “Nước mắt sông Cầm”. Nghĩa là cho nhân vật người hơn, đời hơn với cả hai mặt tốt - xấu. Có nhân vật lịch sử phức tạp, khó viết nào khác còn ám ảnh và thách thức anh cho đến nay không?
- Tôi thích những nhân vật có cá tính, phức tạp, ít người muốn “chạm” đến. Tôi nghĩ, con người bất cứ ai cũng không đơn giản, một chiều. Nhân vật lịch sử cũng không đơn giản, một chiều. Nhân vật càng khó “chạm”, càng phức tạp, tôi càng thấy hứng thú. Phạm Nhan là một trong những kiểu nhân vật như vậy. Tôi đã có trong tay vài nhân vật lịch sử đầy hấp dẫn, cá tính để sử dụng dần dần.
- Xin hỏi anh câu cuối, anh hiện đang viết gì và sắp tới sẽ có tác phẩm nào ra mắt bạn đọc?
- Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết về một trong những nhân vật lịch sử đầy cá tính và phức tạp đó, theo cách riêng của tôi. Trong đó, có thể có những điều người ta tránh nhắc đến, những gì tôi cho rằng chưa thỏa đáng hoặc có cách nghĩ, cách cảm khác. Còn trước mắt, trong tháng 5 này, tôi sẽ cho ra mắt tiểu thuyết “Tưởng tượng và dấu vết”.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.