(HNM) - Phiên tòa quốc tế xét xử tội ác diệt chủng của Khơ-me Đỏ đang diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) sau nhiều lần trì hoãn. Sau 3 thập kỷ, những kẻ sát nhân tàn bạo đã bị đưa ra ánh sáng.
Tên “đồ tể” Tà Mốc sau khi bị bắt.
"Tên đồ tể"
Một trong những kẻ sát nhân tàn bạo trong thảm họa diệt chủng ở Cam-pu-chia đã chết cách đây gần 3 năm là Tà Mốc. Những hồ sơ mới nhất vừa được công khai cho thấy y là cánh tay phải đắc lực của Pôn Pốt cùng các thủ lĩnh Khơ-me Đỏ, đã gây ra cái chết của hơn hai triệu người Cam-pu-chia (một số tài liệu cho rằng khoảng 1,7 triệu) trong giai đoạn nắm quyền 1975-1979. "Tên đồ tể" là biệt danh người Cam-pu-chia đặt cho hắn. Với biệt danh này, Tà Mốc còn là kẻ cầm đầu hàng loạt cuộc thảm sát và thanh trừng vô cùng dã man, thậm chí cả trước khi chế độ Pôn Pốt lên nắm quyền. Tà Mốc cũng chính là kẻ chủ mưu các cuộc thanh trừng trong nội bộ Khơ-me Đỏ.
Sau khi chế độ Khơ-me Đỏ sụp đổ năm 1979, Tà Mốc vẫn là một nhân vật quyền thế. Cho đến năm 1997, sau khi đảng của hắn tan rã, Tà Mốc chỉ còn nắm quyền kiểm soát một bộ phận nhỏ và tự phong là "Tư lệnh tối cao". Năm 1998, sau khi một số nhân vật chủ chốt đào ngũ, Tà Mốc buộc phải trốn khỏi căn cứ An-long Veng. Vào ngày 6-3-1999, "Tên đồ tể" khét tiếng tàn ác này đã bị quân đội Cam-pu-chia bắt tại khu vực gần biên giới Thái Lan và đưa về giam giữ tại Phnôm Pênh. Theo luật pháp Cam-pu-chia, trong vòng 6 tháng đầu bị giam giữ, Tà Mốc bị đưa ra xét xử với tội danh cầm đầu tổ chức bất hợp pháp và trốn thuế. Tuy nhiên, vào tháng 2-2002, tên này chính thức bị buộc tội chống lại loài người. Vì sức khỏe yếu, Tà Mốc được đưa đi điều trị tại bệnh viện và chết vào ngày 21-7-2006.
Tà Mốc được biết đến như một trong những "kiến trúc sư" của "Những cánh đồng chết'' đáng sợ nhất trong thế kỷ XX tại Cam-pu-chia; trong số nạn nhân có cả người phương Tây. Đó là trường hợp G.Đ. Đê-hít, một tay chơi thuyền buồm nghiệp dư người Anh. Năm 1978, Đê-hít chèo thuyền vào vùng lãnh hải Cam-pu-chia và mất tích. Sau khi Khơ-me Đỏ sụp đổ, các bức ảnh và "lời thú tội" của Đê-hít và nhiều người phương Tây khác đã được tìm thấy trong nhà tù S-21 tại Phnôm Pênh. Họ đã bị Khơ-me Đỏ bắt, tra tấn và bị ép phải nhận mình là gián điệp. Đó chỉ là số ít trong tổng số 14.000 nạn nhân bị giết ở S-21, mà Tà Mốc chính là kẻ giữ vai trò chủ chốt trong các vụ tra tấn và thảm sát ở S-21 khét tiếng.
Không chỉ nổi tiếng bởi giết hại nhiều người, Tà Mốc còn là người phản bội Pôn Pốt. Khi Pôn Pốt chết tháng 4-1998, nhiều người đã nghi chính Tà Mốc là thủ phạm. Vì thế, cái chết của Tà Mốc năm 2006 đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn và thất vọng trong dân chúng Cam-pu-chia, bởi hắn không bao giờ phải đối diện với công lý vì những tội ác dẫn tới cái chết của gần 2 triệu người.
Những tội ác man rợ
Lên nắm quyền vào ngày 17-4-1975, Khơ-me Đỏ đã xóa bỏ trường học, bệnh viện, nhà máy, ngân hàng, tiền tệ, tôn giáo và tài sản tư. Trong vòng chưa đầy 4 năm cầm quyền, Khơ-me Đỏ đã thảm sát rất nhiều người, thậm chí nhanh đến nỗi các nhà sử học không bao giờ có thể thống kê được chính xác có bao nhiêu người đã bị giết. Một trong cái gọi là "5 không" của Khơ-me Đỏ đã khởi đầu cho một trong những hành động ghê tởm nhất trong lịch sử hiện đại. Với chỉ thị "Không được lãng phí đạn" của Khơ-me Đỏ, nhiều người dân Cam-pu-chia đã bị đập chết. Vô số người khác bị giết hại dã man bằng dùi cui sắt, liềm, búa… Không ít người khác bị chôn sống.
Bất cứ ai ngăn cản đều bị giết. Ngay cả người chỉ vi phạm những quy định nhỏ nhặt trong hàng loạt luật lệ của chúng cũng bị đưa ra những "cánh đồng chết". Người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo, tín đồ Phật giáo, giáo sư, trí thức đều bị giết. Đặc biệt, bất kỳ ai đeo kính cũng bị giết vì là trí thức. Những ai có tay mềm do ít lao động phổ thông cũng bị đưa đến "cánh đồng chết". Hiện nay, tại một đài tưởng niệm ở "cánh đồng chết" ở Choeung Ek, ngoại ô thủ đô Phnôm Pênh, người ta đặt vào tháp kính 8.000 xương sọ của các nạn nhân. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số những nạn nhân xấu số bị thảm sát ở đó.
Trung tâm Tài liệu Cam-pu-chia hiện đang lưu giữ khoảng 1 triệu trang tài liệu về 20.000 ngôi mộ tập thể, 189 nhà tù, 80 khu vực tập trung sọ người và 30.000 cuộc phỏng vấn các nạn nhân và thủ phạm để làm cơ sở cho việc truy tố những kẻ diệt chủng. Trung tâm còn thu thập được 600.000 trang hồ sơ, 6.000 bức ảnh và 200 bộ phim tài liệu về thời Khơ-me Đỏ.
Tuấn Minhtổng hợp
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.