Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tốc độ "già hóa" dân số ở Việt Nam tăng nhanh

Theo TTXVN/Vietnam+| 12/05/2011 10:19

Kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 tại Việt Nam cho thấy số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác, chỉ số già hóa dân số gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo "Già hóa dân số Việt Nam: các thách thức đối với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước" do Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, Đại diện Quỹ Dân số Thế giới tổ chức ngày 12/5.

Thời gian tới để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số "già hóa" sang cơ cấu dân số "già" sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn.

Chẳng hạn như Thụy Điển phải mất 85 năm, Nhật Bản là 26 năm và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đối tượng dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

Kết quả của Cuộc tổng điều tra này cho thấy, một vấn đề quan trọng cần quan tâm là số lượng phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế so với nam giới cao tuổi. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng "nữ hóa dân số cao tuổi." Ở Việt Nam, phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

Theo Tiến sỹ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, vấn đề già hóa dân số đã được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao, Việt Nam cần phải có những chính sách để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn.

Ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa một cách nhanh chóng, chính vì vậy thời gian là vô cùng quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược thực tế phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa "già hóa" dân số và tăng trưởng kinh tế cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội cho người cao tuổi.

Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước.

Tuy vậy, các chính sách và chương trình này còn chưa được thực hiện một cách đầy đủ dẫn tới các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự phát triển; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng dành cho người cao tuổi còn thấp; quỹ hưu trí dành cho lực lượng lao động cao tuổi chưa thực sự ổn định và còn nhiều bất cập liên quan tới bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tốc độ "già hóa" dân số ở Việt Nam tăng nhanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.