(HNMO) – Ngày 29/10, Tòa án Trọng tài quốc tế phán quyết rằng tòa có đủ thẩm quyền để xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông.
Đảo Pagasa (thị tứ) thuộc Trường Sa, hiện do Philippines kiểm soát. Ảnh: Reuters |
Tòa án Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) tại Lahay, Hà Lan đã bác luận điểm của Trung Quốc rằng đây là tranh chấp về chủ quyền và vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa. Thay vào đó, tòa đã ra phát quyết rằng vụ việc phản ánh “tranh chấp giữa hai nước liên quan tới diễn giải và áp dụng Công ước” của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đều nằm trong thẩm quyền của tòa.
Phán quyết này được cho là thất bại lớn đối với Trung Quốc, nước đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam.
Ngày 30/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phán quyết của tòa là “không có hiệu lực và không có tính chất ràng buộc” đối với Trung Quốc.
Theo phán quyết mới ngày 29/10, Tòa án Trọng tài thường trực sẽ bắt đầu xem xét các bằng chứng của Philippines theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Vào tháng 1/2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực. Philippines nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, cùng với việc nước này đơn phương chiếm các đảo và bãi cạn trong khu vực, là đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và không có giá trị pháp lý.
Manila cho rằng UNCLOS nên được sử dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan tới các đảo và bãi ngầm biệt lập. Tuy nhiên, Bắc Kinh khăng khăng không tham gia phiên tòa, nói rằng Tòa án Trọng tài thường trực không có quyền phân xử vụ việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.