Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông

Quang Huy| 13/07/2016 09:11

(HNM) - Chiều 12-7 (theo giờ Việt Nam), Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn” và một số vấn đề khác. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.


Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông

Tòa trọng tài đã xem xét và kết luận một số vấn đề về quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”; về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc; về quy chế cấu trúc; về việc gây hại môi trường biển và về việc làm trầm trọng thêm tranh chấp.

Tự do hàng hải trên Biển Đông phải được tuân thủ theo luật pháp quốc tế.


Về quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”: Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Tòa cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển, ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.

Về việc gây hại cho môi trường biển: Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt. Tòa cũng cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô, trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn, chấm dứt các hoạt động này.

Về việc làm trầm trọng thêm tranh chấp: Tòa nhận thấy rằng Tòa thiếu thẩm quyền để xem xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Philippines và tàu hải quân và chấp pháp của Trung Quốc ở Bãi cạn Second Thomas (Cỏ Mây), cho rằng tranh chấp này liên quan đến các hoạt động quân sự, do vậy, nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tuy nhiên, Tòa nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển và phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên. (Toàn văn phán quyết của Tòa trọng tài đăng trên Báo Hànộimới điện tử www.hanoimoi.com.vn).

Đóng góp quan trọng vào giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông

Sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã ra tuyên bố hoan nghênh phán quyết của Tòa; đồng thời nêu rõ: Philippines tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này; coi đây như một đóng góp quan trọng vào những nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã ra tuyên bố cho rằng: Phán quyết của Tòa trọng tài là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng F.Kishida nêu rõ: Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài là “đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình” cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ “hy vọng và mong muốn” các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Washington đồng thời hối thúc: “Tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích” sau phán quyết này. Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng nhấn mạnh vẫn tiếp tục nghiên cứu về phán quyết trên của Tòa trọng tài.

Ngay sau khi phán quyết được công bố, phát biểu tại Bắc Kinh nhân Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 18, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk kêu gọi: "Trật tự quốc tế dựa trên quy định đáp ứng lợi ích chung của chúng ta, vì vậy cả Trung Quốc và EU phải bảo vệ trật tự đó vì lợi ích của người dân".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) ra tuyên bố nhấn mạnh: Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà không cần đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Singapore ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước. Quốc gia này cũng ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài, cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài là “không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.