(HNMO) - Tối ngày 21-12, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) tổ chức buổi tọa đàm
Hàng trăm độc giả đã cùng góp mặt, lắng nghe và tìm hiểu về giá trị truyền thống, văn hóa đa dạng của mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam.
Cuốn sách Hội hè lễ tết của người Việt. |
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, các diễn giả gồm nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tiến sĩ Mai Anh Tuấn... đã chia sẻ những thông tin giá trị về Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Tiết Thanh Minh và sự giữ gìn mồ mả ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ của Việt Nam cùng những tục cúng lễ trừ tà ma mùa hè, Tết Trung thu...
Bên cạnh đó, các diễn giả và độc giả cùng tham gia thảo luận sôi nổi về các vấn đề về sự đầu thai của các linh hồn và lễ xá tội vong nhân, Lễ tế Nam Giao, Hội Phù Đổng, bản đồ phân bố các thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh, tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam... - vốn được đề cập một cách hệ thống, khoa học trong tác phẩm của học giả Nguyễn Văn Huyên. Buổi tọa đàm thực sự hữu ích với những người yêu mến và mong muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt một cách hệ thống, khoa học.
Cuốn sách "Hội hè lễ tết của người Việt" tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí tham vọng tìm hiểu Việt Nam một cách kỹ càng. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: Chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.
Sức hút của buổi tọa đàm đối với đông đảo độc giả cho thấy những trang viết của Nguyễn Văn Huyên, sau hơn bảy mươi năm, vẫn có thể mời gọi mọi độc giả Việt hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình tìm hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống nước nhà.
Học giả Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1926, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp học tập, năm 1927 đỗ tú tài, năm 1928 đỗ cử nhân văn chương, ba năm sau, 1931, lại đỗ thêm một bằng cử nhân luật. Năm 1934 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne. Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam và luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á của ông được đánh giá là xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp. Năm 1935, ông quyết định về nước làm việc, lúc đầu dạy Sử-Địa ở trường Bưởi, rồi sau đó, từ tháng 8 năm 1938, ông được Toàn quyền Đông Dương điều sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), trở thành “thành viên khoa học” ngang hàng với các học giả người Pháp ở viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học này. Cũng từ năm 1938, ông bắt đầu tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia Giáo dục. Tháng 11 năm 1946, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất (19-10-1975). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tên tuổi và sự nghiệp Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người có những đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.