Tối 27/10, buổi tọa đàm “Auschwitz & Holocaust: Tang thương đến cả hoa kia cỏ này” đã diễn ra tại Hà Nội Creative City.
Với chủ đề “Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”, tọa đàm số tháng 10/2016 của Nhã Nam dành để điểm lại một số tác phẩm văn chương viết về Auschwitz và Holocaust. Tiêu biểu có thể kể đến: Người đọc; Kinh cầu cho một đứa bé không ra đời; Không số phận; Có được là người; Cậu bé mang pyjama sọc...
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn, TS Trần Ngọc Hiếu và Nhà văn Uông Triều (từ trái qua phải) tại buổi tọa đàm. |
Qua Auschwitz & Holocaust, chúng ta phần nào hiểu thêm giới văn chương, các tác giả đã phân tích, cật vấn và lí giải ra sao mỗi khi phải lật giở lại quá khứ đen tối. Họ phải đối diện với câu hỏi tại sao trong thời đại đề cao văn minh, con người hiện đại lại có thể tạo ra và lâm vào Auschwitz và Holocaust.
TS Trần Ngọc Hiếu trao đổi: “Holocaust là thảm họa lớn mà thế giới đã từng chứng kiến ở thế chiến thứ II. Sau sự kiện đó, không chỉ Châu Âu mà gần như cả nhân loại đều bàng hoàng và trăn trở. Chúng ta phải lắng nghe, phải đọc, từ nhiều chiều nhiều phía. Tội ác của phát xít Đức là không thể phủ nhận, nhưng không vì thế ta cứ giữ mãi trong lòng sự oán hận".
"Sự tha thứ vốn đến rất chậm. Nhân loại có những nỗi đau mà dù bao nhiêu năm tháng trôi qua, không gì có thể bù đắp nổi. Phải không ngừng nhận thức tổn thương vì có những tổn thương không bao giờ biến mất. Nhưng chúng ta hiểu về tổn thương để tha thứ, chứ không phải tăng cường khả năng trừng phạt” - TS Hiếu nhận định.
Nhiều người đã đến nghe buổi tọa đàm. |
Auschwitz, Holocaust là những sự kiện lịch sử đã kết thúc, đang dần trôi về kí ức, tưởng niệm, vậy nhưng dư chấn của nó vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng cộng đồng Do Thái nói riêng và toàn thể châu Âu nói chung. Có một luồng cảm xúc bất an, sợ hãi, đau đớn dường như đã bao trùm toàn bộ tâm trí, đời sống nhân loại kể từ khi Auschwitz và các hình thức lò thiêu xuất hiện. Và một luồng cảm xúc khác, không kém phần dai dẳng, là sự căm ghét, phẫn nộ, tố cáo, kết án đối với tội ác mà Đức quốc xã đã gây ra.
Về vấn đề này, TS Trần Ngọc Thêm cũng trao đổi thêm: “Lúc đầu, văn chương Holocaust làm cho những nền tảng chủ nghĩa nhân văn bị lung lay. Điều này nằm ở phương diện bản sắc. Văn chương đã bắt đầu nhìn nhận các chủ nghĩa văn chương mới, nó dựa trên nền tảng cá nhân, quyền tự do xác định bản ngã của mỗi con người".
"Chúng ta mới ra đời không phải đã được dán nhãn là người tốt hay kẻ xấu. Mỗi chúng ta đều có quyền xác định tự thân của mình” - TS Thêm khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.