Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tòa án là ''hạt nhân'' trong cải cách tư pháp

TTXVN| 24/09/2021 06:35

Ngày 23-9, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo Đề án Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất thông qua kế hoạch xây dựng đề án, đề cương đề án, trong đó nhấn mạnh những vấn đề lớn của đề án cần tiếp tục phải nghiên cứu, đánh giá: Làm rõ nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp và đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp; hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án để bảo đảm thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, “hạt nhân” chính là những đổi mới hoạt động của tòa án. Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ giai đoạn 2008-2020 cho thấy, cải cách tư pháp của tòa án đã đạt những kết quả quan trọng, nhưng trong thời gian tới, đòi hỏi yêu cầu cao hơn.

Chánh án cũng đánh giá: “Đây là phiên họp đầu tiên, nhưng công tác chuẩn bị xây dựng đề án đã được tiến hành từ đầu năm. Đây cũng là nhu cầu nội tại của chúng ta, mặc dù là nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao nhưng tòa án cũng thấy rằng cần đổi mới hơn nữa hoạt động của tòa án, nâng cao hơn nữa vị thế tòa án trong hệ thống tư pháp. Vậy nên Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã nghiên cứu và chuẩn bị kế hoạch thời gian tới”.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Tổ Biên tập xây dựng đề án hoàn thiện kế hoạch, đề cương đề án theo đúng tiến độ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án là ''hạt nhân'' trong cải cách tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.