(HNMO) - Sáng 28-7, tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba - phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thế Duyệt.
Tới dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện một số tổ chức quốc tế và cán bộ Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện người lao động trên cả nước tham dự.
Mãi mãi xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp công đoàn thế giới Bùi Văn Cường đã ôn lại truyền thống hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, ngày 28-7-1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.
“Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự truyền bá lý luận Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam”, đồng chí Bùi Văn Cường khẳng định.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng. Với hơn 20 vạn người trong năm 1945, đoàn viên Công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay), Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo công nhân, viên chức, người lao động để đề ra và tổ chức các hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả.
90 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Công đoàn Việt Nam có gần 10,5 triệu đoàn viên, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đúc kết 5 truyền thống quý báu của tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong đó có sự tuyệt đối tin tưởng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng; là chỗ dựa tin cậy của Đảng, là đoàn thể chính trị tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ Đảng; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: “Chúng ta xin hứa với Đảng, với cán bộ Công đoàn và đoàn viên lớp trước, sẽ vượt qua mọi thách thức, khó khăn, tiếp tục sáng tạo, đổi mới, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, mãi mãi xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh...”.
Với những thành tích mà Công đoàn Việt Nam đạt được, tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba cho tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bối cảnh mới đòi hỏi Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng đến cán bộ Công đoàn Việt Nam và công nhân viên chức, người lao động trong cả nước.
Ôn lại truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam 90 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động và đã có những đóng góp lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
“Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn công nhân và người lao động cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận.
Nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước và tổ chức Công đoàn thời cơ và thách thức mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững, phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời khẳng định vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn luôn kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò và sứ mệnh ấy, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giai cấp công nhân phải thực sự lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam phải không ngừng đổi mới, xây dựng giai cấp công nhân “có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao”.
Thủ tướng đề nghị các cấp Công đoàn, trước hết là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng; nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và cán bộ Công đoàn; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động và tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
“Tiếp bước truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng, phát triển và được dày công vun đắp bởi lớp lớp các thế hệ cán bộ, đoàn viên Công đoàn, trong đó có những nhà lãnh đạo xuất sắc như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh..., tôi tin tưởng rằng, Công đoàn Việt Nam sẽ vươn lên giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần thực hiện ước nguyện của Bác Hồ kính yêu trong Di chúc thiêng liêng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định, tổ chức Công đoàn các cấp sẽ thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, xứng đáng là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, được giai cấp công nhân và người lao động tin cậy, gắn bó…, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.