Chính trị

Gìn giữ, phát huy giá trị địa chỉ "đỏ" của tổ chức Công đoàn Việt Nam

Ánh - Hà 27/07/2024 - 18:14

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), chiều 27-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang tới thăm nơi diễn ra Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - số nhà 15, phố Hàng Nón.

screenshot_20240727_172828_gallery.jpg

Cùng đi có đại diện LĐLĐ thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm.

Tại nơi diễn ra Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - số nhà 15, phố Hàng Nón, các đại biểu đã ôn lại lịch sử ra đời, phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tiến trình của Cách mạng Việt Nam.

Trong những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, phong trào “vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò, tuyên truyền vận động công nhân đấu tranh. Đặc biệt, sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức phong trào công nhân do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng.

Được sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28-7-1929, tại số nhà 15 Hàng Nón (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ diễn ra. Đại hội đã thông qua điều lệ và tổ chức của Công hội, cho ra đời Báo Lao Động và Tạp chí “Công hội đỏ”, bầu Ban Chấp hành Công hội, bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng.

img_20240727_172559.jpg
Thăm nơi diễn ra Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Ảnh: PV

“Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích. Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành cùng đất nước. Giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả ngành nghề kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ thành phố Hà Nội tặng quà gia đình ông Trần Gia Khánh, hiện đang sinh sống tại số nhà 15 Hàng Nón. Tổ chức Công đoàn Việt Nam bày tỏ mong muốn, gia đình ông Trần Gia Khánh sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy hiệu quả giá trị địa chỉ cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, để nhà 15 Hàng Nón mãi là địa chỉ đỏ cho các thế hệ cán bộ Công đoàn Việt Nam đến thăm, học tập, ôn lại truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ, phát huy giá trị địa chỉ "đỏ" của tổ chức Công đoàn Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.