Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức thi, tuyển sinh an toàn, thuận lợi

Thống Nhất| 07/05/2023 06:34

(HNM) - Có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,2 triệu học sinh, công tác tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh ở Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Tổ chức thi và tuyển sinh an toàn, thuận lợi nhất cho học sinh là quyết tâm của toàn ngành. Còn một tháng nữa, học sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - kỳ thi đầu tiên trên địa bàn thành phố. Để hiểu rõ hơn về các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương.

Bảo đảm quyền lợi học tập

- Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 được thực hiện thế nào để không gây khó khăn, áp lực cho học sinh, thưa ông?

- Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 với tinh thần giữ ổn định như năm trước, bảo đảm thuận lợi và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh, học sinh. Trong đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập duy trì 3 môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ), không có thêm môn thứ 4 như lo lắng của nhiều học sinh. Phương thức tuyển sinh trẻ mầm non, lớp 1 và lớp 6 cũng được duy trì ổn định là xét tuyển theo tuyến.

- Nhiều phụ huynh học sinh lo lắng không đủ chỗ học khi số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 năm học 2023-2024 tăng hơn 51.000 em so với năm trước. Ông có chia sẻ gì về điều này?

- Căn cứ kết quả điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học ở từng nhà trường (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên), các phòng giáo dục và đào tạo sẽ tham mưu UBND quận, huyện, thị xã về kế hoạch tuyển sinh, trong đó có việc tổ chức phân tuyến tuyển sinh cho từng trường trên địa bàn bảo đảm đáp ứng nguyện vọng học tập, không để học sinh phải di chuyển quá xa. Đây là chủ trương được Hà Nội kiên trì nhiều năm nay để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng, đồng thời cố gắng không để xảy ra hiện tượng nơi quá tải, nơi lại không tuyển đủ chỉ tiêu.

- Hiện nay, nhiều khu đô thị mới có quy hoạch trường học nhưng lại chưa có trường công lập, cha mẹ học sinh phải gửi con ở cơ sở giáo dục ngoài công lập với mức học phí cao. Tình trạng này sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?

- Với các khu đô thị mới chưa có trường học, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo báo cáo UBND quận, huyện, thị xã có phương án giải quyết chỗ học cho học sinh, đồng thời thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quan tâm tới việc học tập của con em các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân làm việc ở khu công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh là con của gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã và đang được Hà Nội triển khai, phụ huynh học sinh không nên quá lo lắng.

- Với việc bỏ quy định xuất trình sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú, liệu có xảy ra hiện tượng học sinh gặp khó khăn khi đăng ký tuyển sinh không?

- Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công an thành phố có phương án xác minh nơi thường trú, cư trú của học sinh linh hoạt, chính xác. Cha mẹ học sinh không phải cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin cư trú, và hoàn toàn yên tâm con mình sẽ được bảo đảm quyền lợi học tập theo đúng tuyến tuyển sinh quy định. 

Tổ chức thi an toàn, thực chất

- Với tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,45%, kỳ thi năm 2022 đã có sự tiến bộ hơn so với năm 2021, song Hà Nội vẫn ở vị trí khiêm tốn, xếp thứ 27 của cả nước. Được biết, toàn ngành đang quyết tâm cải thiện thứ hạng trong năm nay. Giải pháp để đạt mục tiêu này là gì?

- Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp hạng kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông của các sở giáo dục và đào tạo. Hà Nội xác định thứ hạng để cố gắng nhiều hơn, xứng đáng với vị thế của Thủ đô và niềm tin của phụ huynh học sinh. Sở đã chủ trì họp với 70 trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất để bàn giải pháp, trong đó xác định, việc cải thiện chất lượng cần có lộ trình, song không thể chần chừ. Các nhà trường cũng đã chia sẻ, thống nhất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi như tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập; phân nhóm đối tượng để có phương pháp, nội dung ôn tập phù hợp, trong đó tăng cường bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phân công giáo viên giàu kinh nghiệm phụ đạo học sinh yếu, kém; kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Công tác tư vấn tâm lý cũng được coi trọng nhằm giảm áp lực không đáng có, giúp học sinh bước vào các kỳ thi với tâm thế tự tin.

- Thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức các kỳ thi được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội dự kiến có khoảng 98.000 học sinh với khoảng 180 điểm thi; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có khoảng 110.000 học sinh với khoảng 200 điểm thi. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi đang được khẩn trương tiến hành với quyết tâm dành mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi an toàn, thực chất.

- Vậy việc lựa chọn, bố trí nhân sự cho các kỳ thi năm nay được triển khai ra sao?

- Để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, kết quả thi phản ánh thực chất, chất lượng dạy học, Sở sẽ điều động lãnh đạo, giáo viên các trường trung học phổ thông và trường trung học cơ sở tham gia lãnh đạo, coi thi, giám sát phòng thi tại tất cả các điểm thi theo nguyên tắc: Mỗi phòng thi bố trí hai cán bộ coi thi ở hai đơn vị khác nhau; cán bộ coi thi không coi thi tại điểm thi có học sinh của trường mình đang công tác.

Dự kiến, mỗi kỳ thi có khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên được điều động làm nhiệm vụ. Số lượng này tương đương với quy mô thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của một tỉnh, đòi hỏi việc lựa chọn nhân sự cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Những người được điều động làm nhiệm vụ phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao; nắm vững nghiệp vụ. Các nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, giáo viên học quy chế, bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ phải nắm vững quy chế, kiểm soát tốt tình hình và xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống phát sinh với mục đích bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh dự thi.

- Ông có nhắn nhủ gì với học sinh lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị tham dự các kỳ thi năm nay?

- Các em hãy tập trung ôn tập với quyết tâm cao, nắm vững và tuân thủ nghiêm túc quy chế thi. Các bậc phụ huynh hãy tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để các con ôn tập đạt kết quả cao nhất. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn dành sự quan tâm, chăm lo tốt nhất để quyền lợi học tập, dự thi của học sinh được bảo đảm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức thi, tuyển sinh an toàn, thuận lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.