(HNM) - Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội (LH) năm 2013 do Bộ VH,TT&DL tổ chức ngày 18-1, những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức LH đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích.
Tình trạng loạn ban quản lý di tích, thiếu quy hoạch lễ hội, thiếu chế tài xử lý vi phạm, ý thức tham gia LH của người dân chưa văn minh… là những nguyên nhân khiến mặt trái của LH tồn tại dai dẳng nhiều năm qua chưa được khắc phục.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bất lực trước sai phạm?
Nhìn trên tổng thể, rõ ràng mùa LH năm 2012 có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn ở LH đền Trần (Nam Định) cơ bản được khắc phục. LH chùa Hương (Hà Nội) không còn tình trạng cờ bạc trá hình, không còn người ăn xin, ăn mày làm phiền lòng du khách. Các LH lớn khác như: Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Bà Chúa Xứ (An Giang)… diễn ra trang nghiêm, giàu bản sắc. Cũng trong năm 2012, nhiều LH của các dân tộc thiểu số được khôi phục, mang tới không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào dịp đầu xuân như: LH Roóng Poọc (xuống đồng) của người Giáy, hội hát qua làng của người Dao đỏ, LH Oócomboc của người Khme… Tiếc rằng khi đi vào phân tích sâu hơn, những người trực tiếp làm công tác quản lý, tổ chức LH vẫn phải chỉ ra những điều chướng tai, gai mắt đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng khắc phục chưa được bao nhiêu.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL phản ánh: Phần lớn LH diễn ra trong không gian các di tích lịch sử, văn hóa, nhưng nhiều di tích không có các công trình vệ sinh công cộng, hoặc nếu có thì rất tạm bợ, không đủ công năng phục vụ hàng vạn, hàng triệu người về dự hội. Một số di tích khác lại lập bia đá khắc tên người công đức, đặt bát hương lên bia, khách đến thấy bát hương thì xì xụp khấn vái. "Ghi nhận tấm lòng công đức bằng cách khắc bia là sai lầm vì chính người sống đi thắp hương, khấn vái cho người sống" - ông Nguyễn Xuân Phúc phân tích.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Phúc, những vấn đề còn hạn chế, những sai phạm trong quản lý, tổ chức LH ai cũng có thể thấy nhưng khi xử lý thì lại thiếu chế tài. Nghị định 75 của Chính phủ quy định, đốt đồ mã nơi công cộng có thể bị phạt lên đến hàng triệu đồng, song lại không có nội dung quy định phạt người sản xuất, buôn bán. Thanh tra Bộ đi kiểm tra nhiều di tích thấy người ta bán đồ mã đầy xung quanh nhưng đành bó tay, phạt người đốt đồ mã tại nơi thờ tự càng là điều không tưởng vì lực lượng thanh tra rất mỏng. Hàng quán bán hàng trong khuôn viên di tích có thể bị xử phạt đến 20 triệu theo quy định nhưng khi kiểm tra, hầu hết dịch vụ này được chính quyền các địa phương nơi có các di tích "cấp phép" kinh doanh...
Những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động LH chưa được khắc phục đã và đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa, gây bức xúc trong dư luận.
Cần thay đổi tư duy làm lễ hội
Nhiều năm nay, cơ quan quản lý nhà nước về LH cao nhất là Bộ VH,TT&DL vẫn tổ chức các hội nghị tìm giải pháp đưa công tác quản lý, tổ chức LH đi đúng quỹ đạo trước khi bước vào mùa cao điểm. Giải pháp cho mùa LH năm 2013 được Bộ đưa ra là: Các tỉnh, thành phố từng bước tiến hành tổng kiểm kê, điều chỉnh phân cấp quản lý LH theo nguyên tắc nhà nước quản lý, giám sát, nhân dân tổ chức thực hiện; giảm quy mô, tần suất tổ chức; không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các LH ngành nghề, LH mang tính sự kiện; bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã…
Đồng tình với những giải pháp trên, song ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Thời cuộc xã hội thay đổi, tất yếu LH cũng phải thay đổi. Hiện nay, LH có xu hướng mở rộng quy mô, thu hút đông người tham gia; đồng thời là điểm đến du lịch, là "kênh" quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch của một địa phương hay một ngành nghề nào đó… Rõ ràng chức năng của LH đã thay đổi thì tư duy quản lý, tổ chức cũng phải thay đổi. "Chúng ta không nên mang những tiêu chí, mục đích của LH ngày xưa để so sánh, đối chiếu với LH ngày nay, như thế là khập khiễng, lỗi thời. Điều quan trọng cần làm bây giờ không phải là giảm tần suất tổ chức các loại LH, mà chỉ nên hạn chế các LH mang tính hiếu hỉ, các lễ kỷ niệm tốn kém…"- ông Trần Hữu Sơn kiến nghị.
Với kinh nghiệm tư vấn tổ chức thành công LH đền Trần (Nam Định) năm 2012, ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: Con người đương đại thường bị níu kéo bởi các nghi thức, thủ tục truyền thống, nếu những người làm công tác quản lý LH không mạnh tay, kiên quyết thay đổi các nghi thức, thói quen không còn phù hợp với cuộc sống thì rất khó có thể khắc phục được hạn chế của LH.
Đành rằng không thể ứng xử với văn hóa, trong đó có LH, bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, song nếu thiếu mô hình quản lý LH phù hợp thì bức tranh LH khó có thể tươi sáng hơn, ít nhất là trong mùa LH năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.