(HNM) - Kết thúc năm kế hoạch 2013 cũng là lúc các cơ quan quản lý nhận định, khối doanh nghiệp nhà nước đang trong tình trạng nợ vốn vay ở mức đáng cảnh báo.
Tính đến nay, tổng số nợ của DN do Chính phủ bảo lãnh là hơn 342,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,6% GDP. Đáng lo ngại hơn là, tổng số nợ của khối DNNN công bố tháng 11-2013 là 1.682 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng phần nợ của các đơn vị nhà nước nắm giữ 100% vốn là 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương 52% GDP. Đó là các khoản vay thương mại của đối tác trong và ngoài nước, chủ yếu là do DN tự vay ngân hàng và đương nhiên không được sự bảo lãnh của Chính phủ. Song, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, không ít trường hợp những DN này vẫn được Chính phủ trợ giúp khi đứng trước nguy cơ kiệt sức, chờ phá sản. Một số trường hợp điển hình như khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin hay hàng nghìn tỷ đồng nợ của Công ty Xi măng Đồng Bành… Nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ, vỡ nợ của DN thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lãng phí, quản lý yếu kém, mất thị trường, tham nhũng…
Vinashin là một trong những doanh nghiệp có khoản nợ khổng lồ. |
Đáng lo ngại hơn là, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đang là con nợ lớn, khó bề thanh toán. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), hệ số nợ phải trả tính trên vốn chủ sở hữu của nhóm DN này là 1,46 lần, thậm chí có đơn vị nợ gấp hơn 3 lần vốn đang có; cá biệt có DN nợ gấp hàng chục lần vốn. Từ đó, gây ra sự khó khăn cho hoạt động của chính DN và khó kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý cũng như đe dọa sự đổ vỡ một cách bị động. Nói theo giới chuyên gia, đó là mầm mống gây ra sự bất ổn, đe dọa sự an toàn về quản lý nợ công quốc gia… Tóm lại, DNNN bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả và tiềm ẩn rủi ro lớn.
Gần đây, đại diện nhiều tổ chức, đối tác quốc tế đã lưu ý và khuyến nghị Chính phủ cần có những hành động quyết liệt và nhất quán trong việc giám sát, quản lý các DNNN; nhất là kiểm soát tình trạng tài chính, tập trung vào vấn đề vay nợ, phương án cũng như khả năng trả nợ của DN. Bên cạnh đó là yêu cầu đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa (CPH) DN vốn vẫn diễn ra một cách chậm chạp trong những năm qua. Chính phủ, các ngành và địa phương cũng có chung quan điểm, quyết tâm thực hiện cải cách DN trên diện rộng, với tinh thần quyết liệt hơn trong thời gian tới; hướng tới mục tiêu chỉ còn khoảng 500 DN vào năm 2015.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, CPH DN là phù hợp với những cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam và Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ các đơn vị thuộc lĩnh vực đặc biệt, tối quan trọng hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng. Tất cả những ngành, lĩnh vực còn lại sẽ kêu gọi, huy động đầu tư từ tư nhân trong và ngoài nước, trong đó khuyến khích hình thức đối tác công - tư. Một số lĩnh vực hứa hẹn sẽ trở nên hấp dẫn giới đầu tư tư nhân thời gian tới, gồm: Xây dựng hạ tầng giao thông, vận tải, viễn thông, dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ công ích…
Cùng với quá trình thoái vốn của DNNN đã đầu tư ra ngoài ngành, sắp tới công tác CPH được dự báo sẽ diễn ra rộng và nhanh hơn dưới áp lực của mục tiêu cải cách để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các bộ, nhất là Bộ KH-ĐT sẽ lồng ghép hoạt động giới thiệu cơ hội, tìm đối tác đầu tư - kinh doanh vào nội dung xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Qua đó, giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp cận thông tin, chọn thời cơ và có thể quyết định tham gia qua một số hình thức như mua cổ phần, đầu tư theo hình thức liên doanh, đầu tư 100% vốn, thậm chí mua lại các khoản nợ của DN. Với DN tư nhân trong nước muốn tham gia cũng sẽ có điều kiện tốt nhờ sự am hiểu, thu thập thông tin, sự gần gũi với thói quen và tập quán kinh doanh trên địa bàn. Như vậy, cơ hội đổi mới và chuyển đổi sở hữu DNNN thông qua CPH sẽ ngày càng khả thi hơn, từ đó giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước và cũng là điều kiện và vận hội để DN ngoài nhà nước chia sẻ thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.